Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai?

20/05/2024 10:15 AM

Cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai? - Thùy Dung (Đồng Nai)

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai?

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai?

Theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT thì thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai được quy định như sau:

(1) Bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản hoặc bệnh viện chuyên khoa phụ sản đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý sản khoa;

(2) Bệnh viện đa khoa đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và Hội đồng Giám định y khoa được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý toàn thân;

(3) Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại (1) và (2) mục này được ký giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý sản khoa và bệnh lý toàn thân theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

2. Quy định về việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai

Quy định về việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai theo khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT như sau:

- Việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý toàn thân phải dựa trên cơ sở kết quả hội chẩn các chuyên khoa có liên quan đến tình trạng bệnh lý của người bệnh.

- Việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai thực hiện như sau:

+ Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đã nghỉ việc trong trường hợp điều trị ngoại trú;

Phụ lục 6

+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp điều trị ngoại trú;

Phụ lục 7

+ Biên bản giám định y khoa thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BYT đối với trường hợp do Hội đồng Giám định y khoa cấp;

Phụ lục

+ Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Phụ lục 3
Phụ lục 4

- Trường hợp giám định để nghỉ dưỡng thai thì trong biên bản bản giám định y khoa phải mô tả cụ thể về tình trạng sức khỏe hoặc ghi tên bệnh. Trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì ghi mã bệnh; trường hợp chưa có mã bệnh thì ghi đầy đủ tên bệnh. 

Việc ghi mã bệnh và tên bệnh thực hiện theo quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT ban hành danh mục bệnh dài ngày.

Thời hạn nghỉ dưỡng thai thực hiện theo kết luận của Hội đồng Giám định y khoa: Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

Việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám.

Biên bản giám định y khoa để nghỉ dưỡng thai chỉ có giá trị trong việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau và thai sản.

- Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

- Trường hợp bị mất giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai:

+ Người đã cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai phải làm đơn đề nghị cấp bản sao giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai và gửi cho đơn vị nơi đã cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai bị mất;

+ Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp bản sao giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, đơn vị nơi đã cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai có trách nhiệm cấp lại bản sao giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

- Trường hợp bị mất giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai trong thời hạn từ ngày làm việc thứ 06 kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai: phải thực hiện lại từ đầu thủ tục đề nghị cấp giấy giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 849

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079