Đề xuất chi thù lao cho các diễn viên trong việc tuyên truyền lưu động (Hình từ internet)
Vừa qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong một số thay đổi được đề xuất thì nhiều người quan tâm đến vấn đề chi thù lao cho các diễn viên trong việc tuyên truyền lưu động.
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư 55/2023/TT-BTC cụ thể là sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng “-” thứ ba điểm e khoản 2 Điều 4.
- Chi thù lao cho các hoạt động tập luyện, biểu diễn của diễn viên, người tham gia cuộc thi, ngày hội, giao lưu, liên hoan, trình diễn, tái hiện, thực nghiệm:
+ Bồi dưỡng luyện tập chương trình mới: Mức bồi dưỡng cho 01 buổi tập
chương trình mới là 60.000 đồng/người/buổi/4 giờ. Số buổi tập tối đa cho một
chương trình mới là 10 buổi.
+ Mức bồi dưỡng trong chương trình biểu diễn lưu động:
Mức bồi dưỡng cho 01 buổi biểu diễn lưu động đối với vai chính là 100.000 đồng/người. Số lượng tuyên truyền viên đóng vai chính trong các chương trình biểu diễn lưu động do Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thông tin triển lãm hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã quyết định.
Mức bồi dưỡng 01 buổi biểu diễn lưu động đối với các vai diễn khác là 80.000 đồng/người.
Theo quy định tại Thông tư 55/2023/TT-BTC thì việc chi tổ chức các cuộc thi phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến; tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan, trình diễn, tái hiện, thực nghiệm phục vụ hoạt động chuyên môn của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần bao gồm:
- Chi công tác truyền thông, thông tin và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
- Chi thuê dẫn chương trình; chi biên soạn đề thi, đáp án, thù lao cho ban giám khảo, ban tổ chức; chi giải thưởng cho cá nhân, tập thể; thuê văn nghệ, diễn viên; hỗ trợ tiền ăn, thuê phòng nghỉ cho thành viên ban tổ chức, thành viên hội đồng nghệ thuật, thí sinh; nghệ nhân, diễn viên: áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; Thông tư 40/2017/TT-BTC; Thông tư 09/2016/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức thi, liên hoan văn nghệ quần chúng và thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ hợp pháp;
- Chi thù lao cho các hoạt động tập luyện, biểu diễn của diễn viên, người tham gia cuộc thi, ngày hội, giao lưu, liên hoan, trình diễn, tái hiện, thực nghiệm: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện;
- Chi thuê phương tiện đi lại, hội trường, địa điểm, bàn ghế, trang thiết bị và các chi phí cần thiết khác: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
Qua đó, có thể thấy quy định trước đây không quy định rõ số tiền đối với việc chi thù lao cho các hoạt động tập luyện, biểu diễn của diễn viên, người tham gia cuộc thi, ngày hội, giao lưu, liên hoan, trình diễn, tái hiện, thực nghiệm. Tại dự thảo Thông tư lần này đã đề xuất mức thù lao rõ ràng hơn đối với các diễn viên khi tham gia biểu diễn tuyên truyền lưu động.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Nguyễn Hữu Hiệp