Quy định về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (Hình từ internet)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác (tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định khoản 2 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì vi phạm hành chính về hóa đơn là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được quy định như sau:
- Các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP).
- Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Người nộp thuế bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng quy định tại Luật Quản lý thuế 2019 thì hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường như sau:
+ Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;
+ Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực), trừ trường hợp có hồ sơ bồi thường quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP);
+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có);
+ Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).
- Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt.
- Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt thì cũng được miễn, giảm tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.
- Người nộp thuế đã được miễn, giảm tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn, giảm tiền phạt không đúng quy định tại Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP) thì người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn, giảm tiền phạt.
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn, giảm không đúng và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn, giảm không đúng. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn, giảm không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt.
Võ Tấn Đại