Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ khoản 5 Điều 8 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng bộ môn là 3 tiết/tuần.
Ngày 13/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 2822/BGDĐT-GDTrH giải đáp về tên gọi tổ đối với trường phổ thông như sau:
Theo Điều lệ trường phổ thông, trường phổ thông chỉ có “tổ chuyên môn” không có “tổ bộ môn”. Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn do Hiệu trưởng quyết định và quản lý.
Về chế độ làm việc đối với tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT Thông tư quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng được giảm 3 tiết/tuần.
Như vậy, theo hướng dẫn trên thì giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng sẽ được giảm 3 tiết/tuần.
Hiện hành, định mức tiết dạy được quy định tại Điều 6 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau: - Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết; - Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông; Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở; Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở. Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết. - Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành. |
Theo Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.
Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:
- Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.
- Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.