Căn cước điện tử và những điều cần biết

19/06/2024 10:00 AM

Căn cước điện tử sẽ được cấp cho công dân từ ngày 01/7/2024. Theo đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về căn cước điện tử mà người dân cần biết.

Căn cước điện tử và những điều cần biết (Hình từ internet)

1. Căn cước điện tử là gì?

Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

(Khoản 17 Điều 3 Luật Căn cước 2023)

2. Từ 01/7/2024, mỗi công dân được cấp 01 căn cước điện tử

Theo Điều 31 Luật Căn cước 2023 quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.

Theo đó, căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:

+ Nơi sinh.

+ Nơi đăng ký khai sinh.

+ Quê quán.

+ Dân tộc.

+ Tôn giáo.

+ Quốc tịch.

+ Nhóm máu.

+ Số chứng minh nhân dân 09 số.

+ Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.

+ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân,số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.

+ Nơi thường trú.

+ Nơi tạm trú.

+ Nơi ở hiện tại.

+ Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

+ Thông tin nhân dạng.

+ Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

+ Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước 2023 được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

- Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.

3. Giá trị sử dụng của căn cước điện tử

- Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

(Điều 33 Luật Căn cước 2023)

4. Các trường hợp khóa, mở khóa căn cước điện tử

4.1. Trường hợp khóa căn cước điện tử

Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:

(1) Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;

(2) Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

(3) Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;

(4) Khi người được cấp căn cước điện tử chết;

(5) Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

4.2. Trường hợp mở khóa căn cước điện tử

Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:

- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm (1) yêu cầu mở khóa;

- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm (2) đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm (3) được trả lại thẻ căn cước;

- Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm (5) yêu cầu mở khóa.

Lưu ý: Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm (1), (2), (3), và (5), cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.

(Điều 34 Luật Căn cước 2023)

5. Căn cước điện tử dùng để làm gì?

Về việc sử dụng Căn cước điện tử, Luật Căn cước 2023 quy định:

- Công dân có quyền sử dụng Căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp (khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước 2023).

- Công dân Việt nam có nghĩa vụ xuất trình thẻ Căn cước, Căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 5 Luật Căn cước 2023)

- Nghiêm cấm làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung Căn cước điện tử; chiếm đoạt, sử dụng trái phép Căn cước điện tử; sử dụng Căn cước điện tử giả (Điều 7 Luật Căn cước 2023).

- Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân (Điều 31 Luật Căn cước 2023).

Bên cạnh đó Điều 33 Luật Căn cước 2023 khẳng định, Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về Căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào Căn cước điện tử của người được cấp Căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ Căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong thẻ Căn cước với thông tin trong Căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong Căn cước điện tử.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,554

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079