Việc ghi nhận chính thức hoạt động cho thuê lại lao động trong Bộ luật Lao động đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho các bên trong quan hệ cho thuê lại lao động, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động cũng như góp phần vào sự phát triển ổn định của thị trường lao động. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Xuân Thu – Phó Trưởng Ban Thư ký – Bộ Tư pháp.
PV: Xin chào Ông Nguyễn Xuân Thu. Xin Ông cho biết hiện nay có bao nhiêu công việc được phép cho thuê lại lao động? Theo Ông, có nên tăng thêm số lượng các công việc được phép cho thuê lại lao động không ạ?
Ông Nguyễn Xuân Thu: Các công việc được phép cho thuê lại lao động được giới hạn khá hẹp tại Điều 25 Nghị định 55/2013/NĐ-CP. Cụ thể, có 17 nhóm công việc được phép cho thuê lại lao động là: (1) Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký; (2) Thư ký/Trợ lý hành chính; (3) Lễ tân; (4) Hướng dẫn du lịch; (5) Hỗ trợ bán hàng; (6) Hỗ trợ dự án; (7) Lập trình hệ thống máy sản xuất; (8) Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; (9) Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; (10) Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy; (11) Biên tập tài liệu; (12) Vệ sĩ/Bảo vệ; (13) Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; (14) Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; (15) Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; (16) Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; (17) Lái xe.
Nếu xét nhu cầu của doanh nghiệp cho thuê lao động, bên thuê lại lao động và người lao động thì đương nhiên họ mong muốn mở rộng tối đa danh mục các công việc được phép cho thuê lại lao động vì nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, xét từ nhu cầu của nhà quản lý (Nhà nước) thì mức độ an toàn cho xã hội lại là vấn đề cần được coi trọng.
Đối với Việt Nam, chưa hề có kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực này, tâm lý xã hội chưa thực sự đồng thuận, ý thức của tất cả các bên có liên quan chưa thể nói là đã tốt… thì việc mở rộng phạm vi danh mục công việc được phép cho thuê lại lao động cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không điều chỉnh lại Danh mục này trong quá trình triển khai thực hiện. Theo tôi, sau một thời gian thực hiện, sơ kết rút kinh nghiệm, việc mở rộng các công việc được phép cho thuê lại lao động là hoàn toàn có thể.
PV: Xin Ông cho biết quan điểm của Ông về việc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ 02 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại? Theo Ông, những khó khăn, vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp ở đây là gì?
Ở đây, chúng ta phải lường trước hậu quả của quy định chưa thực sự hợp lý này - đó là nguy cơ hoạt động cho thuê lại lao động bất hợp pháp sẽ tiếp tục tái diễn, các chủ thể có liên quan, kể cả Nhà nước đều có thể phải chịu thiệt thòi, mà trong đó người chịu thiệt nhiều nhất chính là người lao động. Bởi vì, khi không đủ điều kiện để được cấp phép cho thuê lại lao động, trong khi không dễ dàng chuyển sang kinh doanh nghề khác thì điều khó tránh khỏi là họ sẽ tiếp tục kinh doanh cho thuê lại lao động, cho dù họ biết đó là bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp thuê lại lao động còn gặp khó khăn về: Điều kiện đối với người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho thuê lao động; quy định cấm đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động, … Ngoài ra, nhiều quy định còn thiếu hoặc chưa rõ ràng trong Bộ luật lao động và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về cho thuê lại lao động gây khó khăn cho các bên hữu quan như: Các quy định về hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp cho thuê lao động và người lao động, quy định về trách nhiệm khi người lao động thuê lại bị tai nạn lao động…
PV: Xin Ông cho biết, trong thị trường lao động đầy biến động như hiện nay, trong mối quan hệ cho thuê lại lao động này, liệu rằng quyền của người lao động có bị xâm phạm không ạ?
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên nếu không nhanh chóng được giải quyết thì nguy cơ quyền lợi của người lao động bị xâm phạm là rất lớn. Chẳng hạn, những khó khăn về điều kiện cấp giấy phép lao động và bị cấm đoán sẽ dẫn đến hoạt động cho thuê lao động “chui” sẽ tiếp tục tái diễn, khó hoặc không thể bảo vệ được quyền lợi của người lao động; giới hạn không hợp lý về thời hạn thuê lại lao động sẽ dẫn đến tình trạng người lao động bị “đẩy” từ doanh nghiệp cho thuê lao động này sang doanh nghiệp cho thuê lao động khác để đáp ứng nhu cầu của bên thuê lại lao động theo thỏa thuận ngầm của các bên; hay từ những quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng sẽ dẫn đến sự mập mờ về quyền lợi, mà người bị thiệt thòi nhất bao giờ cũng là người lao động, bởi đơn giản họ là người yếu thế nhất trong quan hệ cho thuê lại lao động.
VH
Theo Báo Thanh tra