Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai (Hình từ Internet)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai như sau:
- Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thiệt hại;
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại:
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện;
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% phân hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
- Các quy định khác:
Trường hợp kinh phí hỗ trợ thiệt hại trong năm dưới 01 tỷ đồng/năm: Các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện;
Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 50% dự phòng ngân sách địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.
Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật phòng, chống thiên tai 2013 (sửa đổi khoản 6 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) như sau:
- Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.
- Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.
Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng theo quy định sau đây:
+ Hỗ trợ cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
+ Căn cứ vào hoạt động ứng phó, mức độ thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và chế độ, chính sách, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để xử lý nhu cầu khẩn cấp cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt;
+ Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.