Các trường hợp nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu

09/10/2024 23:00 PM

Bài viết sau có nội dung về các trường hợp nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu được quy định trong Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

Các trường hợp nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu

Các trường hợp nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu (Hình từ Internet)

1. Các trường hợp nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định 35/2021/NĐ-CP thì nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu theo một trong các trường hợp sau đây:

- Đối với dự án áp dụng đấu thầu rộng rãi không sơ tuyển, đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, hồ sơ dự thầu bao gồm hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật, hồ sơ đề xuất về mặt tài chính - thương mại được niêm phong riêng biệt và nộp đồng thời đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 35/2021/NĐ-CP;

Điều 38. Đàm phán cạnh tranh

Đàm phán cạnh tranh được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

1. Có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự;

Điều 49. Lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu

...

2. Hồ sơ mời thầu đối với dự án áp dụng đấu thầu rộng rãi không sơ tuyển, đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật PPP bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Thông tin chỉ dẫn nhà đầu tư: Thông tin chung về dự án bao gồm nội dung và phạm vi dự án, mô tả yêu cầu về mặt kỹ thuật của dự án, các sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp và các nội dung chỉ dẫn nhà đầu tư tham dự thầu;

b) Yêu cầu về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư theo quy định tại Điều 29 của Luật PPP;

c) Yêu cầu nhà đầu tư kê khai lịch sử tranh chấp, khiếu kiện đối với các hợp đồng đã và đang thực hiện;

d) Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, tài chính - thương mại và phương pháp đánh giá các nội dung này, nguyên tắc xác định giá trị quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

đ) Các biểu mẫu dự thầu;

e) Yêu cầu về bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật PPP. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức thư bảo lãnh thì nhà đầu tư được nộp thư bảo lãnh hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm tham dự thầu, trách nhiệm thực hiện hợp đồng. Thư bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hểm bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên, đóng dấu (nếu có);

- Đối với dự án áp dụng đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển, hồ sơ dự thầu bao gồm hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về mặt tài chính - thương mại được niêm phong riêng biệt và nộp đồng thời đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu khoản 3 Điều 49 Nghị định 35/2021/NĐ-CP;

Điều 49. Lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu

...

3. Hồ sơ mời thầu đối với dự án áp dụng đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển, đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật PPP bao gồm các nội dung quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 2 Điều này.

- Đối với dự án áp dụng đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về mặt kỹ thuật, tài chính - thương mại được niêm phong và nộp đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Nhà đầu tư không được thay đổi giải pháp kỹ thuật, công nghệ cơ bản đã được đề xuất trong quá trình đàm phán.

Điều 38. Đàm phán cạnh tranh

Đàm phán cạnh tranh được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

...

2. Dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao;

3. Dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

2. Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được quy định cụ thể tại Điều 42 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 như sau:

- Việc đánh giá về năng lực, kinh nghiệm căn cứ theo thang điểm 100 hoặc 1.000 quy định trong hồ sơ mời thầu. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.

- Việc đánh giá về mặt kỹ thuật căn cứ theo thang điểm 100 hoặc 1.000 hoặc phương pháp đánh giá đạt hoặc không đạt quy định trong hồ sơ mời thầu. Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật bao gồm: tiêu chuẩn về chất lượng, công suất, hiệu suất; tiêu chuẩn vận hành, quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng; tiêu chuẩn về môi trường và an toàn; tiêu chuẩn kỹ thuật khác.

- Việc đánh giá về tài chính - thương mại căn cứ theo phương pháp so sánh, xếp hạng quy định trong hồ sơ mời thầu. Phương pháp so sánh, xếp hạng được xây dựng trên các tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại, bao gồm một trong các tiêu chuẩn sau đây:

+ Tiêu chuẩn giá, phí sản phẩm, dịch vụ công;

+ Tiêu chuẩn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

+ Tiêu chuẩn lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước.

Chia sẻ bài viết lên facebook 58

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079