Hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe trong trường học (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT thì việc tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe trong trường học được thực hiện như sau:
- Biên soạn, sử dụng các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe với nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của từng địa phương.
- Tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh và cha mẹ hoặc người giám hộ về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý; hoạt động thể lực; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; phòng chống bệnh, tật học đường; chăm sóc răng miệng; phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích và các chiến dịch truyền thông, giáo dục khác liên quan đến công tác y tế trường học do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
- Lồng ghép các nội dung giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong các giờ giảng.
- Tổ chức cho học sinh thực hành các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý; hoạt động thể lực; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; phòng chống bệnh, tật học đường; chăm sóc răng miệng; phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích thông qua các hình thức, mô hình phù hợp.
Ngoài ra, đối với công tác tăng cường y tế trong các trường học thì Chính phủ đã yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ trong Chỉ thị 23/2006/CT-TTg như sau:
- Bộ Y tế chịu trách nhiệm:
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác y tế trong các trường học;
+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện kịp thời và có biện pháp khắc phục các yếu tố ảnh hưởng có hại đến sức khỏe học sinh, sinh viên;
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, các Bộ, ngành liên quan tổ chức việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế trong các trường học; kiểm tra, đánh giá, phân loại và quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên; đề xuất các biện pháp nâng cao sức khỏe cho học sinh, sinh viên;
+ Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe học sinh, sinh viên.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm:
+ Chỉ đạo các trường bố trí cán bộ y tế chuyên trách theo định biên và bảo đảm chế độ, điều kiện làm việc để cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên;
+ Bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học tập của học sinh, sinh viên nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới việc phát sinh và gia tăng các bệnh, tật học đường; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác y tế trong các trường học;
+ Phối hợp với Bộ Y tế trong việc xây dựng và cải tiến nội dung chương trình giảng dạy cũng như các biện pháp tuyên truyền giáo dục sức khoẻ để học sinh, sinh viên có nhận thức đúng và chủ động tham gia phòng chống bệnh, tật trong nhà trường và cộng đồng;
+ Tuyên truyền vận động học sinh, sinh viên và gia đình tham gia bảo hiểm y tế nhằm tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010;
+ Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng tiêu chí trường học đạt chuẩn y tế trường học;
+ Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước xây dựng và triển khai các dự án về công tác y tế trong các trường học.