Không tuyên mức phạt cao nhất với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ khi đủ các điều kiện sau đây

31/10/2024 09:16 AM

Mức cao nhất của khung hình phạt với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ là tử hình, tuy nhiên nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì Tòa án sẽ không tuyên án tử hình.

Không tuyên mức phạt cao nhất với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ khi đủ các điều kiện sau đây

Không tuyên mức phạt cao nhất với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ khi đủ các điều kiện sau đây (Hình ảnh từ Internet)

1. Không tuyên mức phạt cao nhất với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ khi đủ các điều kiện sau đây

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

- Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Theo đó, tại khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 quy định nếu phạm tội tham ô tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. 

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP thì người phạm tội thuộc một trong các trường hợp trên sẽ không bị tuyên án tử hình nếu trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Như vậy, khung hình phạt cao nhất đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ là “tử hình” nhưng người phạm tội sẽ không nhận án tử nếu trong quá trình tố tụng thực hiện đủ các điều kiện sau:

(i) Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ

(ii) Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

2. Khi nào được xem là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ

Theo đó, tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP thì "chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.

Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4.000.000.000 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2.000.000.000 đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3.000.000.000 đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô.

3. Khi nào được xem là tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong phát hiện điều tra, xử lý tội phạm, lập công lớn

Cụ thể, tại khoản 8 và khoản 9 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP giải thích về Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn như sau:

- “Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi phạm tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

- “Lập công lớn” là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,347

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079