Đây là lời một người dân được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư Bùi Quang Vinh dẫn lại trong phát biểu tại Quốc hội sáng 7/6, tại phiên thảo
luận về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm
nghèo, giai đoạn 2005 - 2012”.
Ông Vinh khẳng định, dù cả trong điều kiện rất khó khăn Quốc hội và Chính phủ
lúc nào cũng dành nguồn lực to lớn cho xóa đói, giảm nghèo. Trong 8 năm qua nguồn
lực dành cho xóa đói giảm nghèo bình quân mỗi năm khoảng 120 ngàn tỷ đồng từ
ngân sách và có tính chất ngân sách. Trong khi đó năm 2014 vốn ngân sách trực
tiếp dành cho đầu tư phát triển chỉ có 163 ngàn tỷ.
“Kết quả xóa đói giảm nghèo là hết sức tốt đẹp, tôi đã báo cáo kinh nghiệm ở
Ngân hàng Thế giới và họ cam kết tài trợ tiếp cho công tác này”, ông Vinh cho
biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh còn nhiều điều chưa thể hài lòng, nhất là sự
dàn trải về nguồn lực. Điều này đại biểu Quốc hội đã góp ý nhiều và Chính phủ
đã tiếp thu rất nghiêm túc.
“Quốc hội đã có quyết định rất sáng suốt là 2016- 2020 chỉ giữ hai chương trình
mục tiêu về xóa đói giảm nghèo và nông thôn mới”, Bộ trưởng Vinh cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, đến 2015 sẽ có chuẩn nghèo mới để áp dụng cho giai đoạn
2016 – 2020 theo chuẩn nghèo quốc tế, có cân nhắc điều kiện của Việt Nam, chứ
không còn chuẩn nghèo tính theo bình quân đầu người 500 nghìn đồng/tháng ở
thành thị và 400 nghìn đồng/tháng ở nông thôn như hiện nay.
Ông Vinh cũng nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm cần thay đổi cách hỗ trợ người
nghèo, bởi ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau là phản tác dụng.
“Khi còn làm lãnh đạo ở địa phương, tôi luôn nhận được phản ánh về sự không công
bằng trong hỗ trợ người nghèo. Mà câu chuyện dẫn ở đầu bài viết là một ví dụ. Đồng
ý là chính sách phải nhân đạo, nhưng đồng tiền phải có động cơ và đồng lực, cần
có điều kiện kèm theo chính sách hỗ trợ. Ví dụ tôi hỗ trợ anh tiền sau 1 - 2
năm thì anh phải vươn lên thế nào”.
“Phải quy định thế nào mới được hộ nghèo, chứ không phải cứ thu nhập dưới 400
nghìn đồng là nghèo. Ai cũng mong làm hộ nghèo là rất vô lý”, Bộ trưởng Vinh
phát biểu.
Quan điểm này của ông Vinh nhận được sự đồng tình của đại biểu đăng đàn ngay
sau đó. Một số vị cho rằng cần phân loại hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ cho
phù hợp để thoát nghèo bền vững.
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác giảm nghèo vẫn
còn không ít khó khăn, thách thức. Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa
có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỉ lệ
nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục.
Số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê cho thấy hệ
số chênh lệch giàu - nghèo đã tăng đều từ 8,1 (2002) lên 9,4 (2012).
Bên cạnh đó tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng
xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người
nghèo cả nước.
Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% và còn khoảng 900 nghìn hộ
cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng khoảng 30% so với
thu nhập chung khu vực nông thôn.
Về hạn chế báo cáo cũng nêu rõ, một số chính sách chưa gắn với điều kiện tham
gia của người nghèo nên vẫn tồn tại một số địa phương, một bộ phận cán bộ và
người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước.
Công tác quản lý nhà nước, phối hợp trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực
hiện chính sách giảm nghèo còn phân tán, thiếu liên kết, chưa lồng ghép được
chính sách.
Nguyễn Lê
Theo VnEconomy