Quy chuẩn báo hiệu đường bộ mới nhất QCVN 41:2024/BGTVT

21/02/2025 19:30 PM

Hiện nay, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ mới nhất năm 2025 được Bộ Giao thông vận tải ban hành qua Thông tư 51/2024/TT-BGTVT.

Quy chuẩn báo hiệu đường bộ mới nhất QCVN 41:2024/BGTVT

Quy chuẩn báo hiệu đường bộ mới nhất QCVN 41:2024/BGTVT (Hình từ Internet)

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của quy chuẩn báo hiệu đường bộ

Tại QCVN 41:2024/BGTVT có quy định phạm vi điều chỉnh như sau:

(1) Quy chuẩn quy định về báo hiệu đường bộ bao gồm: đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

(2) Quy chuẩn quy định về báo hiệu đường bộ áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam, các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Hiệp định GMS-CBTA, các thỏa thuận trong ASEAN và các thỏa thuận quốc tế khác) - gọi là các tuyến đường đối ngoại.

Đối tượng áp dụng của Quy chuẩn được quy định tại điều 2, theo đó, áp dụng đối với người tham gia giao thông trên mạng lưới đường bộ của Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng, bảo vệ, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Phần quy định về kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo hiệu đường bộ gồm 16 chương như sau:

Chương 1 - Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu và thứ tự đường ưu tiên

Chương 2 - Tín hiệu giao thông

Chương 3 - Biển báo hiệu

Chương 4 - Biển báo cấm

Chương 5 - Biển báo nguy hiểm và cảnh báo

Chương 6 - Biển hiệu lệnh

Chương 7 - Biển chỉ dẫn trên đường ô tô không phải là đường cao tốc

Chương 8 - Biển phụ, biển viết bằng chữ

Chương 9 - Biển chỉ dẫn trên đường cao tốc

Chương 10 - Vạch kẻ đường

Chương 11 - Cọc tiêu, tiêu phản quang, tường bảo vệ và hàng rào chắn

Chương 12 - Cột kilômét, Cọc H

Chương 13 - Mốc lộ giới

Chương 14 - Báo hiệu cấm đi lại

Chương 15 - Gương cầu lồi, dải phân cách và lan can phòng hộ

Chương 16 - Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ

Một số khái niệm được lưu ý theo quy chuẩn báo hiệu đường bộ

Tại Điều 3 QCVN 41:2024/BGTVT, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, bao gồm: đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị.

- Đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường và được xác định bằng biển báo bắt đầu khu đông dân cư và biển báo hết khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định riêng cho từng chiều đường).

- Đường dành riêng cho các loại phương tiện cơ giới là phần đường hoặc làn đường dành riêng cho phương tiện cơ giới lưu thông, tách biệt với phần đường dành riêng cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ bằng dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền và được chỉ dẫn bằng biển báo hiệu hoặc vạch sơn.

- Đường dành riêng cho một số loại phương tiện là tuyến đường, phần đường hoặc làn đường dành riêng cho một hoặc một vài loại phương tiện được lưu thông tách biệt với phần đường cho các phương tiện khác và được chỉ dẫn bằng biển báo hiệu hoặc vạch sơn.

- Đường dành riêng cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ là tuyến đường, phần đường hoặc làn đường được phân biệt với phần đường dành riêng cho phương tiện cơ giới bằng các dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền.

- Làn đường ưu tiên là làn đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện khác nhường đường khi cùng tham gia giao thông.

- Đường không ưu tiên là đường giao cùng mức với đường ưu tiên.

- Đường một chiều là đường chỉ cho đi một chiều.

- Đường hai chiều là đường dùng chung cho cả chiều đi và về trên cùng một phần đường xe chạy mà không có dải phân cách giữa.

- Đường đôi là đường mà chiều đi và về được phân biệt bằng dải phân cách (trường hợp phân biệt bằng vạch sơn thì không phải đường đôi).

- Đường thôn là đường trong khu vực thôn, đường trục nối thôn với khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn.

- Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông đường bộ đi lại.

- Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại.

- Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại.

- Dải phân cách được lắp đặt để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều đường;

- Nơi đường giao nhau cùng mức (nơi đường giao nhau hoặc nút giao) là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó.

- Giá long môn là một dạng kết cấu ngang qua đường ở phía trên phần đường xe chạy.

- Cột cần vươn là một dạng kết cấu có cần vươn ra phía trên phần đường xe chạy.

- Tốc độ lưu hành (vận hành) là tốc độ mà người lái vận hành chiếc xe của mình.

- Tốc độ suất tích lũy 85% (V85) là tốc độ vận hành mà ở đó 85% các lái xe vận hành xe chạy từ tốc độ này trở xuống.

- Tầm nhìn là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe của một chiếc xe đang chạy đến một vật thể ở phía trước.

- Tầm nhìn dừng xe an toàn là khoảng cách đo dọc theo đường tính từ mũi xe để một chiếc xe đang chạy có thể dừng lại an toàn trước một vật thể tĩnh bất ngờ xuất hiện trên cùng một làn đường ở phía trước.

- Tầm nhìn vượt xe an toàn là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe để một chiếc xe đang chạy trên đường 2 làn xe hai chiều có thể vượt qua một chiếc xe khác chạy chậm hơn cùng chiều bằng cách chiếm dụng làn xe chạy phía chiều ngược lại và quay trở về làn cũ của mình một cách an toàn.

- Vượt xe là tình huống giao thông trên đường mà mỗi chiều đường xe chạy chỉ có một làn đường dành cho xe cơ giới, xe đi phía sau di chuyển sang bên trái để di chuyển lên trước xe phía trước.

- Nhường đường cho phương tiện khác là tình huống giao thông mà phương tiện nhường đường không tiếp tục di chuyển như hiện tại để phương tiện được nhường đường không phải chuyển hướng hoặc phải phanh đột ngột.

- Nút giao khác mức liên thông là nơi giao nhau của đường bộ bằng tổ hợp các công trình vượt hoặc chui và nhánh nối mà ở đó cho phép các phương tiện tham gia giao thông chuyển hướng đến đường ở các cao độ khác nhau.

- Nhánh nối là đường dùng để kết nối các hướng đường trong nút giao.

- Lối ra là nơi các phương tiện tham gia giao thông tách ra khỏi dòng giao thông trên đường chính.

- Lối vào là nơi các phương tiện tham gia giao thông nhập vào dòng giao thông trên đường chính.

- Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.

Trên đây là một số quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường mới nhất.

Lê Quang Nhật Minh

Chia sẻ bài viết lên facebook 75

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079