Đề nghị làm rõ ‘vùng cấm’ trong kinh doanh

11/11/2014 09:20 AM

Vùng cấm và vùng hạn chế đầu tư kinh doanh vẫn chưa rạch ròi.

Một trong những đột phá ấn tượng nhất của dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi lần này là thiết lập nên hai danh mục cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư kinh doanh theo đúng tinh thần DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Tại phiên thảo luận hội trường ngày 10-11, tuy bày tỏ ủng hộ những điểm mới tiến bộ này nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cũng tỏ ra băn khoăn về những điều chưa rạch ròi.

Bừa bộn, dở dang

“Mới rà xét qua thôi, chúng ta cũng có thể thấy danh mục có cả các hoạt động kinh doanh đơn lẻ không phải loại ngành nghề như việc nhượng quyền thương mại. Một số hoạt động thậm chí không phải là kinh doanh như trọng tài thương mại cũng được đưa vào và rất nhiều ngành nghề được nêu chồng lấn nhau (như khảo nghiệm giống thủy sản và khảo nghiệm giống thủy sản mới)...” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dẫn chứng.

Theo ông Lộc, nếu không làm rõ phạm vi các ngành nghề trong danh mục thì sẽ không thể biết được một hoạt động kinh doanh nào đó có thuộc diện “có điều kiện” hay không. Và nếu vậy thì mục tiêu minh bạch hóa qua danh mục này sẽ bị vô hiệu hóa từng phần.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thì đề nghị loại bỏ hẳn một số ngành nghề kinh doanh khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cụ thể như hoạt động nhượng quyền thương mại, kinh doanh dịch vụ kế toán, kinh doanh dịch vụ việc làm, kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kinh doanh dịch vụ bất động sản,... Theo ông Đồng, các ngành nghề này cơ bản không quá rủi ro, không ảnh hưởng đến các tiêu chí về đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) một số ngành nghề như kinh doanh dịch vụ bất động sản, kinh doanh dịch vụ việc làm… nên loại bỏ hẳn trong mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ảnh: HTD

Vẫn có cửa mọc thêm “giấy phép con”

 “Đề nghị quy định rõ những tiêu chí để được đặt ra điều kiện kinh doanh dưới các hình thức giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, vốn pháp định, chấp thuận khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” - ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhấn mạnh.

ĐB Vẻ giải thích kinh doanh có điều kiện được thực hiện theo hai hình thức: Phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và DN được chủ động thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện đặt ra. “Đề nghị quy định rõ những trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện. Nếu không làm rõ vấn đề này sẽ có rất nhiều trường hợp buộc phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mới được thực hiện hoạt động kinh doanh” - ĐB Vẻ nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng đề nghị: “Hai danh mục này phải rõ ràng. Nếu viết như dự thảo chúng ta hiểu kinh doanh có điều kiện theo bảy nội dung được quy định trong dự luật thì không chỉ có hơn 250 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi vì thực chất cái nào cũng có điều kiện”.

Không còn chuyện cho gì làm nấy

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, cái mới nhất của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật. “Phương pháp tiếp cận của chúng ta từ trước đến nay là phương pháp tiếp cận “chọn-cho”. Nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, chúng ta không thể ghi đủ hết tất cả thứ cần cho. Cho nên mỗi một lần danh mục không có trong luật, các nghị định thông tư quy định thì DN lại phải đi xin. Xin mà không có trong luật, người thích thì cho, người không thích thì không cho. Điều này làm cho rất tốn kém, khó khăn và không minh bạch” - Bộ trưởng Vinh nêu thực tế.

Vì vậy, Bộ trưởng Vinh cho rằng việc chuyển sang một phương thức tiếp cận mới “chọn-bỏ” là một bước tiếp cận cực kỳ tiên tiến và minh bạch nhưng vô cùng khó làm. Từ cách tiếp cận này nên dự luật lần này kèm theo hai danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời luật này quy định những gì bất hợp lý cần phải bổ sung mới thì được rà soát xem lại.

“Những quy định này chính là làm sao ngày càng minh bạch hơn, rõ ràng hơn và đi tới một điều là mọi việc đều được minh bạch, không “xin-cho”” - Bộ trưởng Vinh khẳng định. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vinh, để làm được việc này, một điều rất quan trọng đó là yếu tố con người. Làm thế nào để con người thực thi luật pháp này tốt chúng ta mới minh bạch còn nếu con người vẫn lợi dụng cái này thì chúng ta không chắc đã làm tốt chuyện này.

Sao tuyển người tỉnh này, loại người tỉnh kia?

Trước đây có những DN không nhận người Thanh Hóa, Nghệ An vào làm việc thì hôm nọ có bài báo phản ánh một DN ở Bình Dương không nhận người Cà Mau. Tôi không biết trong điều lệ hoạt động DN cho các DN có quy định như vậy không?

Theo Hiến pháp thì quy định như vậy là vi phạm quyền công dân của người lao động. Tôi kiến nghị cần có quy định làm rõ việc này, phải tôn trọng quyền lao động. Cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, vì sao người này được tuyển, người kia không. Nếu không trói buộc điều này trong điều lệ của DN thì tôi e rằng rất nhiều tỉnh nữa sẽ đặt vấn đề không chấp nhận lao động của tỉnh này, tỉnh khác. Cá nhân một người nào đó có thể có cái này cái kia vi phạm hợp đồng lao động, anh ta có thể vi phạm pháp luật, bị trừng trị theo pháp luật nhưng không thể vì thế mà tất cả người Cà Mau, Thanh Hóa, Nghệ An chịu vạ lây.

ĐB TRƯƠNG MINH HOÀNG (Cà Mau)

Thu Hằng

Theo Plo.vn

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,200

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079