Nhà mạng không được "bắt tay" áp đặt giá cước viễn thông

13/11/2014 10:33 AM

Theo Dự thảo Thông tư về Quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông bị nghiêm cấm lạm dụng vị thế, liên kết với nhau để định giá cước, áp đặt giá cước dịch vụ, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của người dùng, của các doanh nghiệp khác và lợi ích Nhà nước.

Đồng thời, theo Dự thảo Thông tư về Quản lý giá cước dịch vụ viễn thông đang được Cục Viễn thông lấy ý kiến rộng rãi,nhà mạng cũng không được phép lợi dụng các thời điểm bất thường (như lễ, tết, thiên tai, dịch bệnh...) để tăng giá cước, ép giá cước; Sử dụng các hình thức quảng cáo, khuyến mại thiếu trung thực hoặc không lành mạnh; Tăng hoặc giảm giá giả tạo, trái với các quy định về quản lý giá cước và khuyến mại dịch vụ viễn thông.

Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc quản lý giá cước là Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp viễn thông theo cơ chế thị trường, tuy nhiên cần có sự điều tiết của Nhà nước và phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, việc quản lý và quy định giá phải bảo đảm hài hòa quyền lợi hợp pháp của người dùng, của doanh nghiệp viễn thông với lợi ích của Nhà nước và chủ quyền Quốc gia. Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ trong quyết định giá cước, nhưng vẫn phải đảm bảo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và có các biện pháp để khuyến khích doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể áp dụng hình thức quản lý khác nhau đối với giá cước giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, nhằm điều tiết thị trường viễn thông phát triển lành mạnh. Nếu như giá cước tăng hoặc giảm bất hợp lý so với giá thành, hoặc biến động bất thường so với giá cước dịch vụ trung bình của thị trường, gây mất ổn định thị trường thì cơ quan quản lý sẽ sử dụng biện pháp kiểm soát, bình ổn giá.

Giá cước dịch vụ phải nằm trong "khung"

Dự thảo Thông tư nêu rõ, Nhà nước sẽ ban hành quyết định khung giá cước cụ thể của dịch vụ, giá cước tối đa và giá cước tối thiểu. Doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá cước áp dụng cho người dùng, nhưng giá cước này phải nằm trong khung giá do nhà nước quy định, không cao hơn giá cước tối đa và cũng không thấp hơn giá cước tối thiểu.

Trước khi ban hành giá cước, doanh nghiệp viễn thông phải tiến hành kê khai giá cước và thông báo giá cước đến Cục Viễn thông (đối với các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ phải đăng ký giá cước).  Cụ thể, doanh nghiệp phải gửi thông báo mức giá cước, văn bản kê khai chi phí dịch vụ, lợi nhuận dự kiến hình thành nên giá cước tới Cục.

Sau khi mức cước này được Cục Viễn thông chấp nhận thì doanh nghiệp phải đảm bảo những lần điều chỉnh cước sau đó không được vượt quá mức tối đa do Cục công bố trong từng thời kỳ. Trường hợp phát hiện hồ sơ thông báo, kê khai giá cước của doanh nghiệp không phù hợp với quy định hiện hành về quản lý giá cước, Bộ Thông tin và Truyền thông (mà cụ thể là Cục Viễn thông) có văn bản yêu cầu doanh nghiệp đình chỉ việc áp dụng giá cước mới để xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.

Các doanh nghiệp viễn thông bị nghiêm cấm quy định giá cước thấp hơn giá cước tối thiểu hoặc cao hơn giá cước tối đa Nhà nước quy định hoặc thấp hơn tỷ lệ điều chỉnh giảm giá cước tối đa so với giá cước trung bình thị trường của dịch vụ viễn thông do Cục Viễn thông công bố. Doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không được cung cấp dịch vụ dưới giá thành.

Sẽ đình chỉ mức cước vi phạm

Dự thảo cũng xác định rất rõ trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý giá cước viễn thông, từ việc ban hành cơ chế, chính sách quy định về quản lý viễn thông và chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc cho đến Quy định giá cước, khung giá cước dịch vụ viễn thông công ích, giá cước dịch vụ kết nối. Bộ TT&TT có thẩm quyền điều tiết thị trường, quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông. Đối với từng thời kỳ sẽ có quy định và công bố công khai tiêu chí, nội dung quản lý giá cước, danh mục dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (phù hợp với các quy định của Luật Cạnh tranh).

Đặc biệt, Cục Viễn thông sẽ căn cứ vào biến động giá cước của thị trường, của từng thời kỳ để công bố giá cước trung bình và tỷ lệ điều chỉnh giảm giá cước tối đa so với giá trung bình, kiểm soát việc áp đặt giá, giảm giá quá thấp gây mất ổn định thị trường viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông. Đối với những mức giá cước dịch vụ viễn thông không hợp lý mà doanh nghiệp viễn thông đã áp dụng, Cục Viễn thông có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thực hiện, cũng như chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý giá cước theo đúng quy định.

Định kỳ vào ngày 1/7 hàng năm hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Cục Viễn thông có trách nhiệm rà soát danh mục các dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh đăng ký giá tại Cục, nếu cần thiết trình Bộ trưởng xem xét ban hành điều chỉnh danh mục các dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh.

Về phần mình, người dùng dịch vụ được quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải thích về giá cước dịch vụ. Nếu phát hiện có sai sót về giá cước hoặc về việc cung cấp dịch vụ liên quan đến giá cước, người dùng có quyền khiếu nại lên cơ quan quản lý.

Trọng Cầm

Theo Vietnamnet

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,238

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079