Không nên lách luật

08/01/2015 13:44 PM

Tuân thủ luật pháp và duy trì chính sách chăm lo, đãi ngộ là cách doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động

“Qua khảo sát 121 doanh nghiệp (DN) đã điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng, có 14 DN điều chỉnh cao hơn quy định 300.000 -400.000 đồng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN cố tình lách luật, tìm cách cắt giảm quyền lợi của người lao động (NLĐ). LĐLĐ quận đã yêu cầu DN phải sửa đổi”. Bà Nguyễn Thị Thanh Dân - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - cho biết như vậy về tình hình điều chỉnh LTT trên địa bàn sáng 7-1.

Tùy tiện, áp đặt

Cách lách luật phổ biến nhất của các DN khi điều chỉnh LTT là hạ hệ số lương, cắt giảm các khoản phụ cấp hoặc đề ra quy định khắt khe về định mức sản phẩm. Điển hình, một DN ở quận Bình Tân đã tùy tiện hạ hệ số lương của một nhóm NLĐ làm việc lâu năm từ 2.0 xuống còn 1.9. Công đoàn (CĐ) cơ sở đã phát hiện và kiến nghị ban giám đốc điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi NLĐ song yêu cầu này bị phớt lờ. Đến khi LĐLĐ quận can thiệp, công ty mới đồng ý sửa sai.

Công nhân Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM) luôn được đảm bảo quyền lợi về lương, thưởng

Ở một DN khác, dù khoản phụ cấp chuyên cần chỉ 150.000 đồng/tháng (được đưa vào thỏa ước lao động tập thể) nhưng DN vẫn tìm cách… cắt bớt 50.000 đồng, gây bức xúc cho công nhân (CN). Khi CN phản ứng và CĐ cấp trên có ý kiến, công ty mới không cắt giảm.

Mới đây, gần 800 CN ở một DN có vốn nước ngoài tại huyện Củ Chi, TP HCM phản ánh với các cơ quan chức năng về thông báo điều chỉnh LTT mang tính áp đặt của ban giám đốc. Thông báo nêu rõ: Kể từ ngày 6-1, nếu sản lượng đạt từ 75% trở lên, mức lương sẽ được điều chỉnh theo 4 mức. Trong đó, cao nhất là 400.000 đồng, thấp nhất là 0 đồng. CN càng bức xúc hơn khi để được hưởng mức lương điều chỉnh như thông báo, họ phải bảo đảm mức tăng 3% sản lượng cho mỗi tháng tiếp theo. 70% CN không đồng ý và đã ngừng việc tự phát.

Đối thoại thẳng thắn với CĐ cơ sở

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở nhiều DN thực hiện tốt chính sách tiền lương, trong quá trình điều chỉnh LTT, nếu có vướng mắc đều thẳng thắn trao đổi với CĐ cơ sở chứ không tùy tiện cắt xén vì đây là vấn đề dễ gây tranh chấp.

Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM), cho rằng điều cốt lõi là cả hai phía phải tuân thủ luật. “Cái gì đã có luật định hoặc đã thỏa thuận trong thỏa ước thì DN phải thực hiện, không được cò kè, CĐ sẽ giám sát. Đặc biệt, các khoản phụ cấp đã được quy định trong thỏa ước, CĐ lưu ý DN không nên cắt giảm bởi điều này không chỉ khiến CN hoang mang mà còn làm DN mất uy tín” - ông bày tỏ.

Nhờ CĐ làm tốt việc thương lượng, Tết này, ngoài tháng lương 13 (bình quân 4 triệu đồng), gần 10.000 CN của công ty mỗi người còn được nhận một phần quà của CĐ cơ sở (160.000 đồng).

Sự chủ động của CĐ trong việc thương lượng, theo ông Vũ Thế Vinh, quản lý sản xuất kiêm Chủ tịch CĐ Công ty Phúc Thắng (100% vốn Anh Quốc), là hết sức quan trọng. Tại công ty, nhờ bám sát tình hình DN, CĐ cơ sở đã xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý, nhận được sự đồng thuận cao từ ban giám đốc. Tết này, mức thưởng thấp nhất tại Phúc Thắng là 3,6 triệu đồng, cao nhất 16 triệu đồng/người, chưa kể công ty còn xét thưởng thâm niên cho CN với mức từ 1,1 đến 1,4 tháng lương.

Qua giám sát điều chỉnh LTT, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM - nhìn nhận: “Với những nơi mà đội ngũ CĐ cơ sở chưa mạnh về kỹ năng thương lượng, CĐ cấp trên phải hỗ trợ kịp thời. Tư vấn cho CĐ cơ sở và góp ý giúp DN điều chỉnh kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa tranh chấp”.

Khánh Lê

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,795

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079