Làm thế nào để thực hiện mang thai hộ?

19/03/2015 14:12 PM

Việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 15/3/2015. Vậy với những người có nhu cầu làm sao để được đăng kí mang thai hộ? Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) sẽ giải đáp những băn khoăn này.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Thưa ông, với những người có nguyện vọng được nhờ mang thai hộ, họ sẽ phải làm gì để thực hiện được mong muốn này?

Theo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Và bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật này.

Theo đó, người có nhu cầu nhờ mang thai hộ cần gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

Hồ sơ này gồm khá nhiều các loại giấy tờ: Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào; Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng; Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này; Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ về việc đồng ý cho mang thai hộ; Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa; Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo mẫu quy định….

Bệnh viện nơi tiếp nhận được hồ sơ này sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Theo đó, người đề nghị mang thai hộ sẽ được khám để được xác định là vô sinh (ví dụ như không có tử cung, bị sảy thai liên tục, suy tim, suy gan)... nhưng cơ thể vẫn còn buồng trứng.

Thưa ông, với những quy định này liệu có ngăn chặn được sự “biến tướng” từ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sang đẻ thuê không, thưa ông?

Tôi cho rằng với các quy định rất chặt chẽ về mang thai hộ, việc lách luật, đẻ thuê là khó.

Vì với những người có hồ sơ hợp lệ, giữa hai bên còn cần kí hợp đồng dân sự được tư vấn bởi luật sư. Cả hai bên cũng sẽ cùng gặp gỡ để được tư vấn cả về khoa học, pháp lý. Hơn nữa người mang thai hộ ngoài những quy định cụ thể thì còn phải có xác nhận là họ hàng, người thân, là dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời và chỉ được mang thai hộ duy nhất một lần. Cơ chế pháp lý này tạo ra “rào cản” tránh tình trạng thuê đẻ, đảm bảo mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Trong hợp đồng giữa hai bên sẽ được ghi rõ về quyền lợi và nghĩa vụ chi tiết, trong đó bao gồm cả việc trả con ngay sau sinh, quy định khám thai trong suốt thời gian thai kỳ (phát hiện những dị tật nguy hiểm sẽ buộc phải bỏ thai; trong quá trình mang thai khám định kỳ nhưng với những dị tật kín, không thể phát hiện khi sinh con ra, bên nhờ mang thai vẫn phải nhận con...; Thậm chí cả các vấn đề như người mang thai hộ khi sinh con bị chết, hoặc đứa con chết, hoặc cả mẹ cả con không qua khỏi thì cũng cần thảo luận giữa hai bên xem giải quyết những tình huống này như thế nào).

Nội dung cam kết này là sự thỏa thuận giữa hai bên để tránh những phiền lụy sau khi sinh con (ví như sau đẻ con, người mang thai hộ lại không trả con...). Luật sư khi tư vấn phải giúp cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ làm hợp đồng, thoải thuận và phải chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện về mặt tư vấn.

Thưa ông, ngoài 3 cơ sở khám chữa bệnh đã được Bộ Y tế công bố, những đơn vị nào sẽ được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ?

Trong thời gian đầu, có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, sau 1 năm triển khai tại 3 cơ sở y tế nêu trên, Bộ Y tế sẽ tổng kết và mở rộng thực hiện tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Các trung tâm này phải bảo đảm các điều kiện: Một năm thực hiện được 300 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm, có kinh nghiệm, không vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Cuối tháng 3 tới đây cũng sẽ diễn ra một buổi tập huấn về mang thai hộ tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của 22 đơn vị được phép thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Gần 100 hồ sơ đề nghị được nhờ mang thai

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản Trung ương) cho biết, tại Trung tâm mỗi năm có khoảng hơn 10.000 người đến  khám vì vô sinh, hiếm muộn, trong đó khoảng 0,5% không thể tự mang thai vì nhiều lý do. Đó là những trường hợp bẩm sinh không có tử cung hoặc phải cắt bỏ tử cung do khối u to, tổn thương ung thư; tử cung có quá nhiều nhân xơ, niêm mạc quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ... Ngoài ra, cũng có thể do người vợ bị bệnh tim, suy tim… nên không thể mang thai; liên tục sảy thai hay thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần.

Vì thế, việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo rất có ý nghĩa với những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Hai ngày sau khi quy định về mang thai hộ chính thức có hiệu lực (từ 15/3), đã có gần 100 hồ sơ đề nghị được nhờ mang thai và mang thai hộ được gửi đến ba Bệnh viện được thực hiện kỹ thuật này. 

Trong đó, riêng tại Bệnh viện Phụ sản TƯ đã có mười hồ sơ được đưa lên có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật và đang được tiến hành xác minh hồ sơ. Theo Thứ trưởng Tiến, nhu cầu mang thai hộ là có thực và chắc chắn số hồ sơ sẽ tiếp tục được tăng lên vì hiện Việt Nam mới chỉ có 3 trung tâm được triển khai kỹ thuật này.

Hồng Hải (thực hiện)

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,566

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079