Người lao động bị tạm giam có được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

18/03/2024 14:45 PM

Cho tôi hỏi Người lao động bị tạm giam có được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không? – Hà Thu (Cần Thơ)

Người lao động bị tạm giam có được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Người lao động bị tạm giam có được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 115/2025/NĐ-CP như sau:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

- Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Người lao động bị tạm giam có được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Theo khoản 2 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 16 Nghị định 115/2025/NĐ-CP quy định cụ thể hơn về việc tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam như sau:

- Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nêu ở trên, mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

- Sau thời gian tạm giam, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.

Lưu ý: Trường hợp người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội.

Các trường hợp khác thì việc đóng bù thông qua người sử dụng lao động trên cơ sở tiền đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 đảm bảo;

- Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014

- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.

Như vậy, trong trường hợp người lao động bị tạm giam sẽ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Sau thời gian tạm giam, nếu được xác minh bị oan sai thì đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc quân đội - quốc phòng, công an… có thể được đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.

Còn đối với người lao động trong doanh nghiệp thì việc đóng bù sẽ được các cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường cho người lao động thông qua người sử dụng lao động.

Người lao động bị tạm giam có được đóng bảo hiểm y tế không?               

Căn cứ khoản 7 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định như sau:

Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và không phải truy đóng bảo hiểm y tế cho thời gian bị tạm giam.

Như vậy, khi người lao động bị tạm giam thì được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.

Đoàn Đức Tài

Chia sẻ bài viết lên facebook 941

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079