Trọng Hiền
Trong lĩnh vực Kế toán – Thuế:Từ ngày 1/7, bắt đầu áp dụng Thông tư
64/2013/TT-BTC thay thế Thông tư
153/2010/TT-BTC trong việc quản lý hóa đơn. Một trong những thay đổi quan trọng trong Thông tư mới là việc cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng hóa đơn in thừa của năm trước, giúp các doanh nghiệp và cục thuế giải quyết được vướng mắc trong việc sử dụng hóa đơn cũ từ đầu năm đến nay.
Cũng từ ngày này, sẽ áp dụng các thay đổi trong Thông tư
65/2013/TT-BTC so với thông tư
06/2012/TT-BTC trong vấn đề quản lý thuế GTGT. Theo đó, sẽ có thêm 3 loại hình dịch vụ được đưa vào diện “miễn thuế” GTGT (không chịu thuế GTGT hoặc thuế suất 0%): Các dịch vụ số hóa, Dịch vụ cho thuê xưởng trong khu phi thuế quan và Hoạt động cung cấp tín dụng của tất cả mọi tổ chức.
Những thay đổi về thuế GTGT ở trên sẽ được áp dụng cho tất cả dịch vụ phát sinh từ 1/3/2012.
Trong lĩnh vực Phí và lệ phí:Từ tháng 7, việc chứng thực hợp đồng sẽ áp dụng mức lệ phí mới ban hành kèm theo Thông tư liên tịch
62/2013/TTLT-BTC-BTP. Theo bảng phí mới này, các mức lệ phí sẽ tăng gấp đôi so với trước đây: Lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch với tài sản giá trị dưới 50 triệu là 50.000 đồng/trường hợp; từ 50 triệu đến dưới 100 triệu là 100.000 đồng/trường hợp…
Cũng theo Thông tư 62, việc chứng thực các văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê nhà ở hiện nay sẽ tính lệ phí dựa trên giá trị tài sản, không áp dụng mức lệ phí cố định như trước đây.
Đối với việc khai thác và sử dụng tư liệu đo đạc, bản đồ, cũng sẽ bắt đầu áp dụng mức phí mới ban hành kèm Thông tư
49/2013/TT-BTC. Mức phí mới tăng hơn 50% so với trước đây: phí in bản đồ địa hình tỉ lệ 1/2.000 tăng từ 250.000 đồng/mảnh lên 400.000 đồng/mảnh, ảnh in chụp từ máy bay 23x23cm phí từ 50.000 đồng/tờ lên 80.000 đồng/tờ…
Biểu phí mới cũng có quy định chi tiết mức thu đối với nhiều loại tư liệu khác như bản đồ địa hình tỉ lệ 1/1.000.000, bản đồ hành chính Việt Nam dạng số (vector), cơ sở dữ liệu địa danh… với mức phí cao nhất lên đến hơn 8 triệu đồng/đơn vị tính.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: sẽ áp dụng công thức tính phí mới tại Nghị định
25/2013/NĐ-CP. Công thức tính này sẽ chỉ áp dụng 2 tiêu chí để tính là nhu cầu ôxy hóa học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS), thay cho 6 tiêu chí như trước đây.
Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc danh mục các ngành, lĩnh vực sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng thì còn phải áp dụng thêm hệ số “K” tương ứng với lưu lượng nước thải.
Cũng theo công thức mới, ngoài mức phí tính theo lượng chất thải, các cơ sở sản xuất còn phải đóng phí xả thải cố định “f” theo mức do Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
Trong lĩnh vực Nông nghiệp:Từ ngày 1/7, sẽ bắt đầu thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen theo quy định tại Thông tư
08/2013/TT-BTNMT. Theo đó, các cây trồng biến đổi gien theo quy định tại điều 3 Thông tư 08 sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận. Hồ sơ đăng kí bao gồm đơn đăng kí, báo cáo kết quả khải nghiệm được Bộ NNPTNT công nhận, báo cáo đánh giá rủi ro và tập tin điện tử chứa thông tin đánh giá rủi ro theo mẫu tại Phụ lục 1,2,3.
Đối với việc kiểm tra an toàn thực phẩm những hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu (hàng hóa), theo quy định bổ sung tại Thông tư
05/2013/TT-BNNPTNT thì hàng hóa là “mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm” cũng thuộc diện không phải kiểm tra.
Thông tư 05 cũng bỏ yêu cầu về điều kiện xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến để xuất khẩu.
Trong lĩnh vực Giao thông vận tải:Sẽ áp dụng 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới từ ngày 1/7, bao gồm: QCVN về Bến xe khách, QCVN về phụ tùng của xe mô tô, gắn máy, QCVN về quy phạm giám sát và kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu thể thao, vui chơi giải trí và QCVN về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ xi măng lưới thép, QCVN về phân cấp và giám sát kỹ thuật giàn di động và cố định trên biển.
Các quy chuẩn này ban hành tại các văn bản: Thông tư
49/2012/TT-BGTVT, Thông tư
52/2012/TT-BGTVT, Thông tư
54/2012/TT-BGTVT, Thông tư
55/2012/TT-BGTVT. Một số lĩnh vực khác:Bắt đầu áp dụng Nghị định
52/2013/NĐ-CP về quản lý Thương mại điện tử (thay thế cho Nghị định
57/2006/NĐ-CP). Theo Nghị định, các cá nhân, tổ chức sẽ phải thông báo khi thiết lập Website TMĐT bán hàng, phải đăng ký khi thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT; Việc thông báo, đăng ký này sẽ được thực hiện qua công cụ trực tuyến của Bộ Công thương.
Ngoài ra, cá nhân tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT còn có trách nhiệm phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước, thời hạn báo cáo làn ngày 15/01 hàng năm.
Để kinh doanh dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông theo loại hình dịch vụ viễn thông được quy định tại Thông tư
05/2012/TT-BTTTT, riêng các doanh nghiệp có hạ tầng mạng thì còn phải có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng theo quy định tại Nghị định
25/2011/NĐ-CP, hồ sơ thủ tục xin giấy phép được quy định tại Thông tư
12/2013/TT-BTTTT. Theo Thông tư 12, hồ sơ xin giấy phép ngoài những chứng từ thông thường về tư cách doanh nghiệp còn phải có thêm “kế hoạch kinh doanh” và “kế hoạch kỹ thuật” trong 5 năm đầu tiên, dự thảo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông mẫu, dự thảo bản thông tin điều kiện sử dụng dịch vụ viễn thông mẫu.