Ngày 14/6/2025 Quốc hội thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) có hiệu lực từ ngày 01/8/2025.
Cụ thể, Luật số 68/2025/QH15 quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong đó, nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quy định như sau:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp và các chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
- Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật số 68/2025/QH15; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm giải trình.
Xem thêm tại Luật số 68/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/8/2025.
Quy định mới về thị trường các-bon từ ngày 01/8/2025
Ngày 09/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Theo đó, Nghị định 119/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có các quy định về thị trường các-bon, đơn cử như sau:
Sửa đổi lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước
Nghị định 119/2025/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 17 Nghị định 06/2022/NĐ-CP về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước như sau:
- Giai đoạn đến hết năm 2028
+ Thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia;
+ Xây dựng, tổ chức vận hành thí điểm Sàn giao dịch các-bon trong nước;
+ Triển khai cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước;
+ Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.
- Giai đoạn từ năm 2029
+ Xây dựng và thực hiện cơ chế đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính;
+ Hoàn thiện quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; quy định pháp luật về tổ chức, quản lý, vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 119/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2025.
Ngày 04/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 196/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, trong đó có quy định các giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
Theo đó, các giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự gồm có:
- Giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
- Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Giấy tờ, tài liệu của nước ngoài mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự trên cơ sở cơ quan đó tự xác định được tỉnh xác thực của giấy tờ, tài liệu đó.
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 196/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 03/8/2025.
Ngày 24/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 51/2025/TT-BTC quy định thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Thông tư 51/2025 quy định thủ tục về giao dịch điện từ trong lĩnh vực thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bao gồm:
- Thủ tục thu, nộp ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quả cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quả cảnh do cơ quan hải quan quản lý theo quy định của pháp luật;
- Thủ tục bảo lãnh khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng phương thức điện tử.
Các thủ tục giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 51/2025, được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và pháp luật khác có liên quan.
Xem thêm chi tiết tại Thông tư 51/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 07/8/2025.