1. Cán bộ, công chức được nghỉ 9 ngày dịp Tết Nguyên đán 2019
Công văn 6519/VPCP-KGVX về việc nghỉ lễ, tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức được ban hành ngày 11/7/2018.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH về việc nghỉ lễ, tết năm 2019 cụ thể như sau:
- Dịp Tết Âm lịch: nghỉ từ thứ Hai ngày 04/02/2019 đến hết thứ Sáu ngày 08/02/2019 (được nghỉ liên tục 9 ngày do có thêm 4 ngày nghỉ hàng tuần).
- Dịp Tết Dương lịch: nghỉ từ thứ Hai ngày 31/12/2018 đến hết thứ Ba ngày 01/01/2019 (được nghỉ liên tục 4 ngày); đi làm bù vào thứ Bảy ngày 05/01/2019.
- Dịp lễ 30/4 và 01/5: nghỉ từ thứ Hai ngày 29/4/2019 đến hết thứ Tư ngày 01/5/2019 (được nghỉ liên tục 5 ngày); đi làm bù vào thứ Bảy ngày 04/5/2019.
2. Trẻ em được bảo vệ trên không gian mạng
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Luật an ninh mạng 2018 có hiệu lực từ 01/01/2019. Theo đó:
- Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, vui chơi, giải trí,..và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng;
- Để không gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em thì chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet, dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm:
+ Kiểm soát nội dung thông tin;
+ Ngăn chặn việc chia sẻ, xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại, xâm phạm và kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng để xử lý.
- Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên,…có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định;
- Lực lượng chuyên trách và các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên không gian mạng.
3. Quy định rõ việc không xem xét đơn tố cáo nặc danh
Đây là nội dung quan trọng được quy định tại Luật tố cáo 2018 có hiệu lực từ 01/01/2019.
Theo đó, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng nếu thuộc vào một trong những trường hợp sau thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định:
- Không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo;
- Qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo;
- Người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo;
- Thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không bằng đơn hoặc không được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra, Luật này còn bổ sung thêm quy định cho phép người tố cáo có quyền rút nội dung tố cáo.
4. Thêm quyền lợi cho vận động viên thể thao thành tích cao
Nội dung này được quy định tại Luật Thể dục, thể thao sửa đổi 2018 có hiệu lực từ 01/01/2019.
Theo đó, vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao có thêm nhiều quyền lợi và được nêu rõ hơn so với quy định hiện hành như:
- Được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện tập luyện, thi đấu và việc học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn;
- Được chăm sóc, chữa trị chấn thương, chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền lương, tiền hỗ trợ trong thời gian tập luyện và thi đấu;
- Được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong tập luyện và thi đấu;
- Được tham gia và hưởng các chế độ về BHTNLĐ-BNN, BHYT, BHXH, BHTN theo quy định;
- VĐV đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc gia, quốc tế được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định;
- VĐV không còn khả năng thi đấu được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm; được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở thể thao;
- VĐV đội tuyển quốc gia, đội tuyển tỉnh, ngành bị tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu làm mất khả năng lao động hoặc chết thì VĐV, thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định.