1. Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng
Đây là nội dung tại Thông tư 22/2019/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
Theo đó, ban hành Quy chuẩn QCVN 01:2019/BXD về quy hoạch xây dựng; trong đó quy định về:
- Các mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Đơn cử, yêu cầu về lựa chọn đất xây dựng như sau:
- Khu vực được chọn để xây dựng phải đáp ứng:
+ Có các lợi thế về kinh tế, xã hội, hạ tầng, môi trường và cảnh quan;
+ Có điều kiện tự nhiên đảm bảo cho các hoạt động xây dựng và đảm bảo an toàn cho cộng đồng;
+ Không thuộc phạm vi khu vực cấm các hoạt động xây dựng.
- Đối với khu vực dự báo chịu tác động từ nước biển dâng, việc lựa chọn đất xây dựng phải tính toán đến tác động từ mực nước biển dâng theo các kịch bản của quốc gia;
- Trường hợp buộc phải xây dựng tại các khu vực có nguy cơ xuất hiện hoặc bị ảnh hưởng từ các tai biến thiên nhiên, quy hoạch phải đề xuất giải pháp giảm thiểu, khắc phục và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Thông tư 22/2019/TT-BXD có hiệu lực ngày 01/7/2020 và thay thế Thông tư 32/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009 và Quyết định 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008.
2. Bỏ một số quy định xử phạt VPHC về điều kiện hoạt động xây dựng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Theo đó, bãi bỏ một số quy định xử phạt VPHC về điều kiện hoạt động xây dựng đối với các hành vi:
- Không có hợp đồng lao động với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định;
- Những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định;
- Không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng;
Đồng thời, bãi bỏ các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với các quy định xử phạt VPHC nêu trên.
Lưu ý:
- Trường hợp những hành vi nêu trên xảy ra trước ngày 01/4/2020, mà đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện thì tiếp tục thực hiện theo quy định.
- Trường hợp các hành vi vi phạm nêu trên đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc được phát hiện sau ngày 01/4/2020 thì không xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định 21/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
3. Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị quyết 11/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020.
Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất thông qua Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đồng thời, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này, bảo đảm:
- Thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý;
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới;
- Khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, bảo đảm tính đồng bộ với các Luật có liên quan.
- Thống kê, đánh giá kinh nghiệm của các nước về quy định điều kiện ngôn ngữ bản địa đối với người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại nước sở tại, trình xin ý kiến Quốc hội 02 phương án đề xuất áp dụng tại Việt Nam;
Ngoài ra, Chính phủ thống nhất với Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp của Bộ Tài chính để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025;
Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành vào ngày 14/02/2020.
4. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 9/CT-TTg về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST).
Theo đó, yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ sau và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2020:
- Hỗ trợ tư vấn chính sách về lao động (việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục nghề nghiệp, an toàn lao động) cho các doanh nghiệp KNST.
- Chỉ đạo các trường trong phạm vi quản lý tăng cường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường;
Kết nối với các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp KNST để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
- Hướng dẫn, phổ biến rộng rãi quy trình, thủ tục về cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài có trình độ cao đến Việt Nam trong các ngành công nghệ cao, CNTT, công nghệ cốt lõi của cách mạng 4.0;
Điều chỉnh các chương trình đào tạo nghề của các trường cao đẳng, trung cấp theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng chuyên môn; đưa nội dung đào tạo KNST vào chương trình đào tạo;
Xem thêm chi tiết tại Chỉ thị 9/CT-TTg ngày 18/02/2020.