Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương. Trong đó:
- Ở Trung ương:
(1) Kết thúc hoạt động của Thanh tra các bộ để sắp xếp, tổ chức lại thành các cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực thuộc Thanh tra Chính phủ.
(2) Tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động đối với: Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
(3) Kết thúc hoạt động của cơ quan thanh tra: Cục Bổ trợ tư pháp, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê; không thành lập cơ quan thanh tra Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Các cục nêu trên thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
(4) Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành: Không tổ chức thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định của pháp luật.
- Ở địa phương:
(1) Kết thúc hoạt động của Thanh tra huyện và Thanh tra sở, tổ chức lại thành các tổ chức thuộc Thanh tra tỉnh.
(2) Về hoạt động của tổ chức đảng: Đảng bộ Thanh tra tỉnh là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
- Sau khi sắp xếp, các cơ quan không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước. Người đứng đầu có trách nhiệm giao đơn vị trực thuộc tham mưu thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Xem thêm tại Kết luận 134-KL/TW ngày 28/3/2025.
Chính phủ ban hành Nghị định 68/2025/NĐ-CP ngày 18/3/2025 sửa đổi Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, Nghị định 68/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP về lập biên bản vi phạm hành chính, trong đó, các căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Đối với hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý hoặc trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện hoặc trường hợp cần thiết khác thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có trách nhiệm lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc;
- Biên bản làm việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 68/2025/NĐ-CP ) hoặc các biên bản, tài liệu ghi nhận vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước hoặc tiến hành tố tụng là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính;
- Trường hợp người đang xem xét, xử lý vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản, tài liệu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 68/2025/NĐ-CP ) và hồ sơ kèm theo (nếu có) phải được chuyển kịp thời cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Nghị định 68/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2025.
Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP ngày 20/3/2025 sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã bổ sung Điều 22a về nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử vào Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:
- Nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử cho người bán và người mua:
+ Nghĩa vụ:
++ Cung cấp giải pháp trong việc khởi tạo, truyền, nhận, lưu trữ, xử lý dữ liệu hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, chứng từ điện tử; truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế. Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử chưa phải là tổ chức kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử với cơ quan thuế thì thực hiện truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế thông qua việc sử dụng dịch vụ của tổ chức kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử với cơ quan thuế.
++ Thực hiện truyền, nhận đúng hạn, toàn vẹn hóa đơn điện tử và lưu trữ kết quả truyền nhận giữa các bên tham gia giao dịch.
+ Trách nhiệm:
++ Công khai thông báo phương thức hoạt động, chất lượng dịch vụ trên Website giới thiệu dịch vụ của tổ chức.
++ Bảo mật thông tin hóa đơn điện tử.
++ Thông báo cho người mua dịch vụ kế hoạch ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ và biện pháp xử lý trước 30 ngày để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
++ Thực hiện trách nhiệm khác theo thỏa thuận với người sử dụng dịch vụ.
- Nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế:
+ Nghĩa vụ:
++ Cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn với Tổng cục Thuế sau khi nhận được từ người sử dụng dịch vụ (bao gồm cả tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử chưa thực hiện kết nối với Tổng cục Thuế).
++ Thực hiện cấp mã của cơ quan thuế trong trường hợp cơ quan thuế thông báo ủy quyền; thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ cho các đối tượng được cơ quan thuế ủy thác.
+ Trách nhiệm:
++ Thiết lập kênh kết nối chuyển dữ liệu đến Tổng cục Thuế đảm bảo liên tục, an ninh, an toàn.
++ Công khai, thông báo phương thức hoạt động, chất lượng dịch vụ trên Website giới thiệu dịch vụ của tổ chức.
++ Bảo mật thông tin hóa đơn điện tử.
++ Thông báo kịp thời cho Tổng cục Thuế về các vấn đề ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế; phối hợp với Tổng cục Thuế xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
++ Thông báo cho Tổng cục Thuế và người sử dụng dịch vụ kế hoạch ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ và biện pháp xử lý trước 30 ngày để phối hợp thực hiện và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
++ Thực hiện trách nhiệm khác theo thỏa thuận với Tổng cục Thuế và người sử dụng dịch vụ.
Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 12/2025/TT-BTC ngày 19/3/2025 sửa đổi Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Theo đó, Thông tư 12/2025/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 40/2017/TT-BTC về phụ cấp lưu trú như sau:
- Phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác). Mức phụ cấp lưu trú để chi trả cho người đi công tác 300.000 đồng/ngày.
Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày), thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi công tác trong ngày (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 400.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo).
Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.
Thông tư 12/2025/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 04/5/2025.