Phương Thảo
1. Quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộcTheo Thông tư
59/2015/TT-BLĐTBXH , tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:
- Từ 01/01/2016 đến 31/12/2017: là mức lương và phụ cấp lương theo Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư
47/2015/TT-BLĐTBXH .
Phụ cấp lương nhằm bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Bao gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
- Từ 01/01/2018 trở đi: là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư
47/2015/TT-BLĐTBXH .
Thông tư
59/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 15/02/2016.
Các chế độ quy định tại Thông tư này thực hiện từ ngày Nghị định
115/2015/NĐ-CP có hiệu lực.
Riêng người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng áp dụng Thông tư này từ 01/01/2018.
2. Hướng dẫn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện Chính phủ ban hành Nghị định
134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể:
- Đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo: 30%.
- Đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo: 25%.
- Đối với các đối tượng khác: 10%.
Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Nghị định
134/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/02/2016, thay thế Nghị định
134/2008/NĐ-CP và Nghị định
190/2007/NĐ-CP .
Việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ 01/01/2018.
Không hỗ trợ đóng đối với thời gian đóng BHXH tự nguyện trước 01/01/2018, trừ trường hợp đóng BHXH 01 lần cho những năm còn thiếu theo phương thức đóng quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
3. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo Từ 16/02/2016, Thông tư
08/2015/TT-BXD hướng dẫn Quyết định
33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 có hiệu lực.
Theo đó, tiêu chí xác định đối tượng được hỗ trợ nhà ở được quy định như sau:
- Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định
09/2011/QĐ-TTg , đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định
33/2015/QĐ-TTg có hiệu lực.
Đồng thời là hộ độc lập tối thiểu 05 năm kể từ khi lập hộ mới đến khi Quyết định này có hiệu lực.
- Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện.
- Hộ chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác.
Hoặc đã được hỗ trợ nhưng đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra do bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại…
Xem chi tiết tại Thông tư
08/2015/TT-BXD .
4. Chế độ phụ cấp thâm niên cán bộ BCH quân sự cấp xã Kể từ ngày 20/02/2016, chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ Ban chỉ huy (BCH) quân sự cấp xã được thực hiện theo Nghị định
03/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ. Cụ thể:
- Điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên: Cán bộ BCH quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên.
- Mức phụ cấp thâm niên được hưởng:
+ Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác liên tục: bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.
+ Từ năm thứ 6 trở đi: mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Trường hợp cán bộ có thời gian công tác liên tục ở các ngành được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp thì được cộng nối thời gian đó với thời gian làm cán bộ BCH quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Nghị định
03/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định
58/2010/NĐ-CP .
5. Điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao vốnNgày 06/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định
04/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định
52/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Theo đó, Đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là ĐVSN công lập thuộc một trong các loại hình sau:
- ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
- ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên.
- ĐVSN công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ của ĐVSN công lập và phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định loại hình ĐVSN công.
Nghị định
04/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/02/2016.
Thời hạn rà soát, xác nhận ĐVSN công lập hiện có đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là 03 tháng kể từ ngày 20/02/2016.
6. Điều kiện cấp GCN đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoàiNgày 31/12/2015, Chính phủ ban hành Nghị định
135/2015/NĐ-CP về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Theo đó, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận (GCN) đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có lãi trong 05 năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu.
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế đối với ngân sách nhà nước.
- Có cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự đảm bảo thực hiện tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định pháp luật.
- Có quy trình nội bộ, cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
- Tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật chuyên ngành về vốn, các chỉ tiêu an toàn tài chính, giới hạn đầu tư của công ty.
Nghị định
135/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/02/2016.
7. Quy định mới về cấp, quản lý thẻ căn cước công dân Theo Nghị định
137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật căn cước công dân (CCCD), việc cấp và quản lý thẻ CCCD được thực hiện như sau:
- Đối tượng được cấp thẻ CCCD là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú.
Cơ sở tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp thông tin chưa có trong Cơ sở dữ liệu này thì căn cứ vào giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu để xác định.
- Cơ quan quản lý CCCD các cấp thu hồi thẻ và chuyển về tàng thư CCCD đối với công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam sau khi nhận được thông báo.
- Thủ trưởng cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam; thi hành án phạt tù, quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định tạm giữ thẻ CCCD.
Việc thu hồi và tạm giữ thẻ CCCD phải lập thành biên bản, giao cho người bị thu hồi, tạm giữ thẻ một bản và có sổ sách theo dõi.
Nghị định
137/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/02/2016 và thay thế Nghị định
90/2010/NĐ-CP .