- Định mức kinh tế - kỹ thuật tại Quy định này là mức tối đa, được bảo đảm tính đúng, tính đủ các hao phí nhân công, hao phí máy móc, thiết bị và hao phí vật liệu (hao phí trực tiếp) để hoàn thành việc thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.
- Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và tính kế thừa của định mức kinh tế - kỹ thuật trước đó.
- Định kỳ 5 năm/lần, cơ quan chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật rà soát, đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức được ban hành để có sự điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn (nếu cần).
- Hao phí nhân công: Là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các hạng, bậc lao động để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ.
Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn theo hướng dẫn triển khai dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công, mỗi công tương ứng với thời gian làm việc một (01) ngày làm việc (08 giờ) của người lao động theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
Mức hao phí của lao động gián tiếp tính bằng 15% tỷ lệ phần trăm của lao động trực tiếp tương ứng.
- Hao phí về máy móc, thiết bị sử dụng: Là thời gian sử dụng từng loại máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Mức hao phí trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng với một (01) ngày làm việc (08 giờ) theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động
- Hao phí vật liệu sử dụng: Là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Mức hao phí được tính bằng số lượng từng loại vật liệu cụ thể.
Mức hao phí vật liệu phụ được tính bằng 10% tổng giá trị hao phí vật liệu trong cùng bảng định mức.
Thông tư 16/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.