Theo đó, để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự tiến hành việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt với các nội dung cụ thể như sau:
- Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, số lượng các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất đặc thù công tác xét xử của từng Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; trên cơ sở cân nhắc số lượng các vụ việc dự kiến phải giải quyết hàng năm của mỗi Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đặc thù địa lý, mật độ dân số, tình hình kinh tế, xã hội của các vùng miền, bảo đảm các Tòa án hoạt động hiệu quả.
- Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải bảo đảm giúp cho Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sử dụng hiệu quả, hợp lý biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc.
- Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đề xuất biên chế, lực lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, bảo đảm để các đơn vị này đi vào hoạt động sau khi các luật tố tụng có hiệu lực thi hành.
- Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với Học viện Tòa án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu ở nước ngoài cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án công tác tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Xem thêm tại Chỉ thị 04/2024/CT-CA ngày 31/7/2024.