Tiến Khoa
Quy định chuyển thông tin vụ việc có dấu hiệu tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-KTNN-VKSNDTC-BCA-BQP quy định, trong phạm vi, giới hạn cuộc kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, gây thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công thì Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm chuyển các tài liệu liên quan chứng minh việc gây thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Theo đó, cách xử lý trong từng trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp phát hiện và thu thập được bằng chứng về vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, gây thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công thì Kiểm toán nhà nước có văn bản chuyển thông tin vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp đã thu thập được đầy đủ bằng chứng và làm rõ dấu hiệu tội phạm, gây thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản cộng thì Kiểm toán nhà nước kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo các tài liệu, bằng chứng đã thu thập được sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, khởi tố vụ án hình sự.
Ngoài ra, đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu xét thấy cần thiết thì trước khi kiến nghị bằng văn bản, Kiểm toán nhà nước tổ chức họp liên ngành gồm Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra có thẩm quyền, Viện kiểm sát để phân tích, đánh giá những tài liệu đã thu thập được.
Trường hợp liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm thì Kiểm toán nhà nước có văn bản kiến nghị và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền, kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, khởi tố.
Xem thêm tại Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-KTNN-VKSNDTC-BCA-BQP có hiệu lực từ ngày 6/3/2025 (45 ngày sau ngày ký ban hành).
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN