Tại Chiến lược quốc gia ban hành kèm theo hành Quyết định 806/QĐ-TTg đưa ra quan điểm, mục tiêu chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035 như sau:
(1) Quan điểm
- Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương, cấp bách của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.
- Gắn phòng, chống lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
- Phòng, chống lãng phí phải kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; gắn kết với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
- Phòng, chống lãng phí phải gắn kết với thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh đầu tư công minh bạch, công khai, hiệu quả; gắn kết nguồn lực của Nhà nước với huy động các nguồn lực khác để phát triển đất nước.
- Phòng chống lãng phí phải gắn với 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và gắn kết chặt chẽ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(2) Mục tiêu
- Mục tiêu chung:
Ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí.
+ Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
+ Tăng cường các biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.
+ Xử lý triệt để những vấn đề, vụ việc gây lãng phí lớn, bức xúc trong dư luận, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
+ Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, truyền thông trong phòng, chống lãng phí.
+ Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành tự nguyện, tự giác, trở thành thói quen, nhiệm vụ hàng ngày.
+ Nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
Xem chi tiết tại Quyết định 806/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2025.