Chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật.
Chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm:
(1) Chi phí hành chính: chi phí về nhân công và thời gian mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu để thực hiện các yêu cầu của pháp luật, bao gồm thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước và các nghĩa vụ khác (ví dụ, lưu giữ thông tin hoặc cung cấp thông tin cho khách hàng, người tiêu dùng…).
(2) Chi phí đầu tư để tuân thủ quy định: chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhân công, đào tạo,… để đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật.
(3) Phí, lệ phí: các khoản phí, lệ phí chính thức mà doanh nghiệp, người dân phải nộp trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan.
(4) Chi phí rủi ro pháp lý (nếu có): chi phí tăng thêm, thiệt hại hoặc mất cơ hội kinh doanh mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu do chất lượng kém của quy định pháp luật dẫn đến bị xử phạt hoặc chậm chễ trong giải quyết thủ tục.
(5) Chi phí không chính thức: Các khoản trả thêm hoặc “lót tay” liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng dịch vụ công cộng (ví dụ: điện thoại, điện năng), trả thuế, … hoặc để được nhận các hợp đồng, giấy phép trong lĩnh vực công hoặc để có được các quyết định thuận lợi.
Vì sao phải cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật? (Hình từ internet)
Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là chỉ số B1) là một trong những chỉ số nằm trong mục Quản trị theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) được thể hiện thông qua chỉ số: “Burden of government regulation”.
Chỉ số B1 có thể được hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận (thông qua trả lời câu hỏi khảo sát) về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật (làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật: chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý; chi phí không chính thức), được xếp theo thang bậc đánh giá tính từ mức 01 (kém nhất) đến mức 07 (tốt nhất).
Đối tượng và số lượng doanh nghiệp tiến hành khảo sát để xếp hạng chỉ số B1 là các doanh nghiệp được phân bổ theo tỉ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 03 ngành Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ của năm trước đó.
Chỉ số B1 là một trong những chỉ số quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh vì nếu gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp phải gánh chịu lớn do quy định pháp luật phức tạp, đặt ra nhiều yêu cầu, điều kiện, do mức phí và lệ phí không hợp lý thì sẽ tạo ra chi phí hành chính, chi phí đầu tư, phí và lệ phí cao; quy định pháp luật không rõ ràng, không khả thi sẽ tạo thêm chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu việc tổ chức thi hành pháp luật không tốt sẽ làm gia tăng chi phí hành chính, chi phí không chính thức hoặc chi phí rủi ro pháp lý, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp, cản trở các doanh nghiệp đầu tư, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Công văn 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019
Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 Chính phủ đặt mục tiêu:
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Và mới đây, Thủ tướng có Công văn 493/TTg-KSTT ngày 01/6/2023 về việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó yêu cầu rà soát thủ tục hành chính để giảm ít nhất 20% quy định, chi phí tuân thủ pháp luật.
Cụ thể, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ.