|
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội XIII |
Miễn thuế cho người hưởng lương từ quỹ hưu trí tự nguyện
Theo báo cáo của Chính phủ, một số quy định về phạm vi,
đối tượng chịu thuế trong Luật thuế TNCN chưa bao quát được các khoản
thu nhập chịu thuế TNCN để động viên nguồn lực vào ngân sách nhà nước.
Nhiều khoản thu nhập có tính chất tương tự như: thu thuế đối với thu
nhập từ uỷ quyền bán nhà, đất mà người uỷ quyền có quyền định đoạt tài
sản do chưa được quy định trong Luật nên chưa điều tiết được đối với các
khoản thu nhập này.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ không tính vào thu
nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công liệt kê rất cụ thể trong luật,
nhưng hiện nay thực tế phát sinh nhiều các khoản phụ cấp, trợ cấp mới
phát sinh theo quy định của các văn bản pháp luật về lao động, về BHXH
ban hành sau này. Bên cạnh đó, qua rà soát cho thấy Luật hiện hành có
quy định một số khoản phụ cấp, trợ cấp (trợ cấp giải quyết tệ nạn xã
hội) nhưng đến nay không còn nữa (do được thay thế bằng chính sách
khác).
“Các khoản phụ cấp, trợ cấp đến nay không còn nữa sẽ được
loại bỏ, đồng thời bổ sung thêm nội dung quy định chung về tính chất một
số khoản phụ cấp, trợ cấp được loại trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
TNCN, để đảm bảo Luật không bị lạc hậu khi có phát sinh các khoản phụ
cấp mới.” – báo cáo nêu rõ.
Theo hướng của Chính phủ, sẽ miến thuế đối với tiền lương
hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả và khoản đóng góp vào quỹ hưu trí
tự nguyện. Khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cũng được loại trừ khi
tính thuế TNCN.
Thu nhập 9 triệu đồng/tháng vẫn chưa phải đóng thuế
Mức giảm trừ gia cảnh cũng được Chính phủ nhận định không
còn phù hợp. Theo quy định tại Luật thuế TNCN, mức giảm trừ cho bản thân
người nộp thuế là 4.000.000 đồng/người/tháng, mức giảm trừ cho mỗi
người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (không giới hạn số người phụ
thuộc).
Với mức giảm trừ hiện hành thì một người độc thân có thu
nhập 4 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế; người nộp thuế có thu nhập
7,2 triệu đồng/tháng mà phải nuôi hai người phụ thuộc cũng chưa phải nộp
thuế; người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng nếu nuôi 01 người phụ thuộc
thì số thuế phải nộp là 220 nghìn đồng, nếu nuôi 02 người phụ thuộc thì
tiền thuế phải nộp là 140 nghìn đồng (bằng 1,4% thu nhập chịu thuế),
phần thu nhập sau khi nộp thuế của cá nhân là 9,86 triệu đồng (98,6% thu
nhập chịu thuế).
Từ năm 2009 đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính
và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều
khó khăn, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống
người nộp thuế.
Mặc dù thu nhập có tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh
tế, mức giảm trừ 4 triệu đồng vẫn bảo đảm cao hơn mức thu nhập bình quân
đầu người dự kiến đến năm 2014 (mức thu nhập bình quân đầu người năm
2014 theo tính toán khoảng 2,8 triệu đồng); tuy nhiên để thực hiện việc
giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ
thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai
đoạn sau năm 2014, đồng thời để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối
với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế Chính phủ
cho rằng cần thiết nghiên cứu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho
người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật thuế TNCN.
Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh nâng mức giảm
trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9
triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ
thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Theo mức giảm trừ gia cảnh này thì người độc thân có thu
nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế, người có 2 người phụ thuộc
có thu nhập từ 16,2 triệu đồng/tháng trở xuống chưa phải nộp thuế; người
có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế
490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế), phần thu nhập của
cá nhân sau khi nộp thuế là 19,51 triệu đồng; tương tự, nếu có 2 người
phụ thuộc thì số thuế nộp chỉ 190 nghìn đồng/tháng (bằng 0,95% thu nhập
chịu thuế) và phần thu nhập sau khi nộp thuế là 19,81 triệu đồng.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị cùng với việc điều chỉnh nâng
mức giảm trừ gia cảnh, dự thảo Luật bổ sung nên quy định “mở” để khi
chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự
biến động của giá cả.
Nhật Thanh
Theo Phapluatvn.vn
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN