Nhập hộ khẩu nội thành: ít nhất 2 năm tạm trú

24/05/2013 08:01 AM

Sáng qua (23/5), Chính phủ đã trình Quốc hội Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cư trú.

Dự thảo quy định để nhập khẩu vào thành phố cần có điều kiện về thời gian tạm trú (theo 2 nhóm đối tượng khác nhau). Cụ thể, có thời hạn 1 năm (như quy định hiện hành) với trường hợp người muốn nhập khẩu vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc T.Ư; và có 2 năm tạm trú đối với trường hợp người muốn nhập khẩu vào các quận của thành phố.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức, phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐNDTP, có xác nhận của chính quyền địa phương, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, giữ nguyên thời hạn tạm trú 1 năm với người xin nhập khẩu vào các huyện ngoại thành là phù hợp. Để hạn chế số lượng người thường trú tại các quận nội thành, có thể nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của dự thảo Luật là hợp lý. Quy định này cũng được đánh giá là phù hợp với nội dung của Luật Thủ đô (có hiệu lực từ 1/7/2013).

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, quy định trên chưa thể giải quyết được vấn đề quá tải khi người dân tập trung cư trú tại nội thành. Người dân cư trú tại nội thành là để sống và làm việc, chứ không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành. Thay vì hạn chế bằng biện pháp hành chính, cần giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội phù hợp.

Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc xác nhận về diện tích nhà ở, số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thủ tục, gây phiền hà, dễ bị lợi dụng, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân khi nhập cư vào thành phố.

Lùi Luật hộ tịch đợi mã số công dân

Hôm qua, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đã trình QH dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2013. Theo đó, UBTVQH đề xuất lùi thời hạn trình dự án Luật Hộ tịch.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Trong đó, có vấn đề quan trọng là cấp mã số định danh công dân, cơ sở cải cách công tác quản lý hộ tịch.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị chưa đưa dự án Luật Hộ tịch vào chương trình làm luật cho đến khi nào thông qua xong Đề án mới xem xét, bổ sung thêm.

Cùng đó, chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2013 bổ sung Luật Việc làm; luật Đầu tư công, mua sắm công; Nghị quyết của Quốc hội ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

UBTVQH đề nghị đưa các dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)... vào năm 2014 để phù hợp với Hiến pháp sửa đổi.

Năm 2014 chưa làm Luật Biểu tình

Theo Tờ trình, Dự án Luật căn cước của công dân, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Đô thị, Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình... được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình năm 2014. Tuy nhiên, UBTVQH sau khi cân nhắc, đề nghị chưa đưa các dự án này vào chương trình năm 2014.

Hồng Phúc

Theo Tiền Phong 

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,885

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079