Kinh doanh game trực tuyến: cần chính sách thông thoáng

19/07/2013 14:49 PM

Game online đóng góp quan trọng doanh thu và công nghệ cho ngành nội dung số Việt Nam trong những năm gần đây. Thế nhưng, nhiều nhà kinh doanh game online đang phải “lặng lẽ” sống, bởi họ không được quảng cáo, phô trương về game dưới bất kỳ hình thức nào, và... không được cấp phép!

Game trên máy tính và các thiết bị di động đã trở thành nhu cầu giải trí không thể thiếu được trong đời sống hiện đại. 

Năm 2012, theo bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), doanh thu của game online hơn 6.000 tỉ đồng, với số lao động có liên quan khoảng 7.000 người. Những doanh nghiệp như VNG, FPT… đang là những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn: VNG có 1.600 lao động; FPT có 1.100 lao động…

Trước sức ép của dư luận về tác động xấu của game online, tháng 10.2010, bộ TT&TT ngưng cấp phép mới cho game online chạy trên máy tính, còn game thuộc nhóm mobile game không được quan tâm vì thị trường và thị phần còn quá nhỏ. Nhưng tháng 7.2011, bộ TT&TT phải gởi văn bản đến Chính phủ để đề nghị được cấp phép cho game mới có “giá trị giáo dục và nhân văn” vì cho rằng, những game đã được cấp phép không còn hấp dẫn người chơi buộc người chơi phải tìm đến game nước ngoài, vừa thất thu cho ngân sách, vừa “bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài”! Trên thực tế, những game nằm trong khung “giáo dục và nhân văn” không nhiều, không thu hút được người chơi nên số lượng game được cấp phép cũng không nhiều.

Phần lớn là game lậu

Theo thống kê của bộ TT&TT, tính đến tháng 7.2013, các cơ quan chức năng đã cấp phép cho 117 game online, nhưng trong đó có tới 44 đã ngưng hoạt động. Như vậy, số game được cấp phép đang lưu hành trên thị trường là 73. Nhưng theo giới kinh doanh game, hiện có trên 300 game đang hoạt động, trừ đi số game đã được cấp phép, số game lậu lên tới trên 200.

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý trò chơi trực tuyến” vừa được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 7.2013, nhiều doanh nghiệp kinh doanh game cho rằng, vì không được cấp phép cũng như tiêu chuẩn game được cấp phép quá khắt khe, nên nhiều doanh nghiệp phải liều mình kinh doanh “game không được cấp phép”, còn nói theo cách nói dân dã, đó là game “lậu”.

Ông Nguyễn Văn Khoa, giám đốc điều hành FPT Online, thừa nhận: FPT đã từng có những game lậu dù những game đó đã chết “yểu”. Dù nhiều đại gia game không có đủ khẩu khí như ông Khoa, nhưng giới kinh doanh game tại Việt Nam cho rằng, những đại gia kinh doanh game hiện nay không thể không có game lậu. Game lậu được hiểu là game có yếu tố bạo lực như bắn nhau, đánh nhau, vì biết chắc chắn không được cấp phép nên nhiều doanh nghiệp đánh liều kinh doanh sai luật. “Hấp dẫn, mới lạ, nên những game này đem lại doanh thu cao”, đại diện một công ty kinh doanh game trực tuyến tiết lộ.

Hiện trên thị trường, một số game lậu được nhiều người chơi biết đến, như Hoành tảo thiên hạ, Nghị lực vô song… Một chuyên gia cho biết, nhiều game online, dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng vẫn thu tiền của người chơi. “Những game này luôn luôn trong tình trạng thử nghiệm để tránh né pháp luật. Nếu cơ quan chức năng rờ gáy thì họ bảo đang thử nghiệm nhưng trên thực tế họ vẫn thu tiền bằng nhiều hình thức khác nhau”, vị chuyên gia tiết lộ.

Ngoài ra, hiện các công ty kinh doanh game của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng kinh doanh game “lậu” bằng hình thức tung ra một phiên bản tiếng Việt, máy chủ đặt tại nước ngoài, thu tiền bằng thẻ cào của các nhà mạng viễn thông hoặc thu qua thẻ visa… Cũng có trường hợp cá nhân ăn cắp mã nguồn game nổi tiếng của doanh nghiệp, sau đó thuê máy chủ, thu tiền người chơi… Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, mạng xã hội cũng là nơi dung túng game lậu. Bà H., đại diện một mạng xã hội tương đối lớn tại Việt Nam cho biết, khi cho các nhà sản xuất gởi game, công ty chỉ kiểm tra giấy phép hoạt động của công ty cung cấp (hoặc sản xuất) game. Còn game đó có giấy phép hay không, họ không kiểm tra cũng như không chịu trách nhiệm! Giám đốc kinh doanh của một công ty kinh doanh game thừa nhận, nếu các cơ quan quản lý “rờ” chắc chắn sẽ phát hiện nhiều game lậu đang tồn tại trên thị trường.

Cần công bằng

Game online có tốt, có xấu. Việc ngăn chặn game xấu là cần thiết. Tuy nhiên, việc cấm game là khó khăn bởi thị trường công nghệ ngày càng có nhiều phương tiện hỗ trợ cho sản phẩm game qua mặt các cơ quan quản lý một cách dễ dàng.

Ông Phạm Công Hoàng, phó tổng giám đốc FPT Online cho rằng, trước hết, Nhà nước cần sớm ban hành quy định mới để doanh nghiệp có “đường đi lối lại” một cách rõ ràng; có chính sách phát triển ngành game, từ việc cấp phép game mới, quản lý nội dung game, quản lý người chơi (độ tuổi, thời gian chơi…) “Một nỗi khổ của các doanh nghiệp kinh doanh game Việt Nam là những đòn cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Họ không bị quản lý cũng như không đóng một đồng thuế nào nên giá dịch vụ rẻ hơn, nội dung thoáng hơn và thu hút nhiều người chơi”, ông Hoàng than thở.

Cũng vì chính sách không rõ ràng, lại quá khắt khe mà các nhà sản xuất game đang rơi vào tình trạng bế tắc. Ông Nguyễn Tuấn Huy, giám đốc Emobi, nhà sản xuất game đặt vấn đề: “Thế nào là bạo lực? Trong cái gọi là bạo lực, hình thức nào thì bị cấm, hình thức nào thì được phép? Vì chưa có câu trả lời thoả đáng nên nhà sản xuất bị hạn chế tư duy trong việc viết kịch bản cho game, game làm xong có được cấp giấy phép hay không?” Ông Huy còn cho biết thêm, tình trạng sao chép game trái phép đang “gây khó” cho nhà sản xuất: chi phí sản xuất game “7554” hết 17 tỉ đồng nhưng chỉ bán được 6.500 đĩa, trong khi đó, số đĩa sao chép thống kê được lên tới 30.000 đĩa. Vì tình hình kinh doanh quá khó khăn mà Emobi, theo lời ông Huy phải làm gia công cho các dự án nước ngoài.

Ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần VNG, nói: “Từ việc phát triển của máy tính, internet và di động tại Việt Nam, cộng vào đó là tốc độ phát triển của ngành game thế giới, đáp ứng nhu cầu giải trí, giao tiếp của người dân, ngành kinh doanh game online ngày càng tăng trưởng. Để doanh nghiệp được kinh doanh và phát triển, còn người dân được sử dụng sản phẩm tốt, Nhà nước cần có những chính sách quản lý rõ ràng, nhất là về mặt nội dung”. Cũng theo ý kiến của ông Minh, với tốc độ phát triển của ngành game online, từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu, số lượng game các loại tại thị trường Việt Nam có thể lên tới số lượng 1.000 game/năm. “Liệu các cơ quan quản lý có đủ năng lực để cấp phép cho ngần ấy game hay không? Tôi cho rằng, cần bỏ giấy phép con”, ông Minh đề nghị.

Trọng Hiền

Sài Gòn Tiếp Thị

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,531

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079