Nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền

09/04/2024 09:45 AM

Xin cho tôi hỏi nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền được quy định thế nào? - Hoàng Bảo (Bình Dương)

Nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 29/3/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 14/5/2024.

1. Nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền

Theo đó, tại Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền như sau:

(1) Nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền

- Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi;

- Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi;

- Mỗi tờ tiền có một seri riêng.

(2) Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền

- Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc quy định tại khoản (1). Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vẫn phụ thay thế. Nguyên tắc sử dụng vẫn phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN;

- Cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất. Tài liệu về vần seri được lưu trữ tại cơ sở in, đúc tiền theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN.

Hiện hành, nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 28/2007/QĐ-NHNN như sau:

- Việc in seri trong quá trình in tiền được thực hiện theo nguyên tắc:

+ Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi.

+ Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền đó, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi.

- Quản lý seri trong quá trình in tiền của nhà máy in tiền 

+ Nhà máy in tiền thực hiện việc đóng bó, đóng gói, đóng bao theo Quy trình công nghệ của nhà máy và mở sổ ghi chép seri của từng loại tiền; bảo đảm ghi chính xác, đầy đủ các yếu tố: vần seri đã sử dụng (kể cả vần phụ), loại tiền, năm sản xuất, ký hiệu của bao, gói, bó tiền. Trường hợp in hỏng (phát hiện sau công đoạn in seri) phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế, nhà máy in tiền phải tổ chức ghi chép theo đúng quy trình công nghệ in tiền của nhà máy.

+ Tài liệu về vần seri, sổ ghi chép seri được lưu giữ tại nhà máy in tiền theo quy trình công nghệ in tiền của nhà máy.

 2. Quy định về quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền

- Trong quá trình giao, nhận tiền mới in

+ Cơ sở in, đúc tiền giao tiền mới in cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ); giao, nhận tiền mới in giữa các Kho tiền Trung ương; giao, nhận tiền mới in giữa Kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; giao, nhận tiền mới in giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau.

Bên giao tiền mới in phải lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định tại điểm (*) bên dưới kèm theo biên bản giao nhận tiền hoặc phiếu xuất. Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận;

+ Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định tại điểm (*) bên dưới. Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận;

+ (*) Bảng kê seri do thủ kho bên giao ký và phải thể hiện chính xác các yếu tố: Bên giao, bên nhận, loại tiền, số lượng, vần seri, năm sản xuất, ký hiệu bao, gói, bó tiền hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định. Bảng kê này được lập thành 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.

- Trách nhiệm theo dõi, quản lý, lưu trữ thông tin seri tiền mới in

+ Bên giao và bên nhận có trách nhiệm theo dõi, quản lý, lưu trữ thông tin seri của các bao, gói, bó tiền mới in đã giao, nhận tại đơn vị;

+ Khi Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xuất tiền mới in theo bao nguyên niêm phong cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các đối tượng khác, bên giao có trách nhiệm quản lý, lưu trữ thông tin seri tiền mới in đã xuất cho các đơn vị.

(Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-NHNN)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,230

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079