Thủ tướng giao nhiệm vụ cho những địa phương thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia

27/09/2024 14:15 PM

Tại Thông báo 432/TB-VPCP ngày 24/9/2024, đã có một số nội dung được Thủ tướng giao nhiệm vụ cho những địa phương thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho những địa phương thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia (Hình từ internet)

Ngày 24/9/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 432/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - trưởng ban chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho những địa phương thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia

Cụ thể, tại Thông báo 432/TB-VPCP năm 2024, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho những địa phương thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia với nhiều nội dung.

Bên cạnh nhiệm vụ chung là khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, để hoàn thành mục tiêu của Phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 18/8/2024 tại tỉnh Đắk Lắk. Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương như sau:

* Về chuẩn bị đầu tư

- Thành phố Hà Nội, Cao Bằng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, hoàn thành trước ngày 15/10/2024.

- Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Bình Dương bám sát kế hoạch đề ra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để hoàn thành các thủ tục, sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu (hoàn thành trong tháng 10 năm 2024); Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP (phấn đấu hoàn thành tháng 10 năm 2024); Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo Nghị quyết của Chính phủ.

- Tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc ngày 04/9/2024, rà soát phương án đầu tư, sớm phê duyệt dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; hoàn thành trong tháng 10 năm 2024.

- Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thủ tục đầu tư để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

- Thành phố Hà Nội chủ trì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

* Về giải phóng mặt bằng

- Các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB), tập trung vào các vị trí đường “găng” để ưu tiên triển khai trước; các cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, các cấp chính quyền chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tăng cường công tác dân vận để đẩy nhanh GPMB các dự án bám sát tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 80/CĐ-TTg năm 2024, nhất là với các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

- Các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bình Dương, Kiên Giang, Lạng Sơn huy động cả hệ thống chính trị, xác định công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm, nỗ lực, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án (nhất định phiên họp sau phải có chuyển biến ít nhất 10-20% khối lượng công việc giải phóng mặt bằng).

- Tỉnh Lạng Sơn chủ động làm việc với Bộ TNMT để được hướng dẫn thủ tục bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất giao thông cho dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, không để ảnh hưởng đến tiến độ công tác GPMB.

* Về vật liệu xây dựng

- Các cơ quan chủ quản các dự án chủ động trong việc tìm kiếm, nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, không để ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nhất là tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 335/TB-VPCP ngày 19/7/2024, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép trong tháng 9 tháng 2024 để cung ứng vật liệu bảo đảm đủ khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ các dự án, ưu tiên trước cho các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ cho nhà thầu tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu bảo đảm khai thác trong tháng 9 năm 2024.

- Tất cả các tỉnh chủ động nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án để giảm áp lực đối với nguồn cát sông; kịp thời báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nếu có khó khăn vướng mắc.

* Về triển khai thi công

Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, “chỉ bàn làm không bàn lùi”.

- Các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, cấp mỏ VLXD với tinh thần “vượt nắng thắng mưa, chỉ bàn làm không bàn lùi”; chủ động các nguồn vật liệu đắp để không ảnh hưởng đến tiến độ đề ra; xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, phù hợp điều kiện GPMB, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết; linh hoạt tổ chức thi công phù hợp với điều kiện thời tiết các khu vực bắt đầu vào mùa mưa; xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình thời tiết bất thường như bão, lũ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, máy móc, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành các dự án thuộc danh mục 3.000 km có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua Đồng Nai và Bình Dương), Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai), Tuyên Quang - Hà Giang (Tuyên Quang) chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu để bảo đảm tiến độ đề ra. Đây là mục tiêu nhất định phải hoàn thành.

- Các tỉnh có khối lượng thi công còn thấp như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bắc Ninh, Hưng Yên cần tích cực khẩn trương, rà soát lại toàn bộ kế hoạch triển khai, tập trung tháo gỡ về vật liệu xây dựng, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tại các khu vực đã có mặt bằng, các hạng mục không bị ảnh hưởng bởi nguồn vật liệu; rà soát năng lực của nhà thầu thi công để kịp thời xử lý theo quy định nêu triển khai chậm tiến độ.

- Tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ công tác thiết kế, tổ chức thi công,...; kiểm soát nghiêm việc thực hiện, kịp thời có giải pháp bổ sung, thay thế nhà thầu không bảo đảm tiến độ theo các quy định của hợp đồng BOT nhằm đẩy tiến độ thi công dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

- Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La đẩy nhanh các thủ tục để sớm khởi công dự án DATP 3 Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (khởi công đoạn qua Hòa Bình trong tháng 9/2024 theo đúng kế hoạch của tỉnh).

- Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát chặt chẽ tiến độ triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ đề ra (trong tháng 11 năm 2024), không được lùi tiến độ.

- Tỉnh Hà Giang rà soát ngân sách để báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết các khó khăn về nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia dự án Tuyên Quang - Hà Giang.

Xem thêm nội dung tại Thông báo 432/TB-VPCP ngày 24/9/2024.

Chia sẻ bài viết lên facebook 107

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079