Ngày 29/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
Căn cứ Điều 16 Nghị định 94/2025/NĐ-CP, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm:
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.
- Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý.
- Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech do tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp.
- Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan nếu cần thiết.
Căn cứ Điều 16 Nghị định 94/2025/NĐ-CP, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình thử nghiệm, tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm:
- Ban hành và cung cấp cho khách hàng hướng dẫn khuyến cáo rủi ro khi sử dụng giải pháp Fintech trong thời gian thử nghiệm.
- Thông báo tới khách hàng về việc sử dụng giải pháp Fintech đang tham gia quá trình thử nghiệm; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, trung thực về giải pháp thử nghiệm, phí dịch vụ, các quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại giải pháp.
- Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng trong và sau quá trình sử dụng giải pháp Fintech thử nghiệm, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Ban hành các quy định về bảo vệ thông tin khách hàng khi lưu trữ và truyền dẫn bằng các cơ chế bảo mật, mã hóa, giấu tên, che giấu dữ liệu. Trong trường hợp tổ chức thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của khách hàng thì phải được sự đồng ý của khách hàng và chỉ được thu thập, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có sự cho phép của khách hàng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng cho phép cung cấp thông tin của khách hàng cho bên thứ ba.
- Xây dựng và đảm bảo tuân thủ quy trình nội bộ và các biện pháp kiểm soát rủi ro có thể dẫn tới việc truy cập hoặc sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân, gian lận và đánh cắp thông tin cá nhân của khách hàng.
- Định kỳ đánh giá rủi ro, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong quá trình thử nghiệm và kịp thời thông báo cho khách hàng trong trường hợp có sự thay đổi về mức độ rủi ro của giải pháp Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm.
- Xây dựng cơ chế, thiết lập đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm:
+ Tiếp nhận và có biện pháp xử lý mọi yêu cầu tra soát, khiếu nại bằng văn bản, qua tổng đài điện thoại, nền tảng trực tuyến hoặc thư điện tử của khách hàng trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu tra soát, khiếu nại từ khách hàng;
+ Bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Nghị định 94/2025/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2025.
Thùy Dương