Ngày 12/7/2025 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
![]() |
Chỉ thị 20/CT-TTg |
Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2025 là chỉ đạo của Thủ tướng đối với UBND thành phố Hà Nội về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, bao gồm:
- Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1;
- Từ ngày 01/01/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
- Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) (Xây dựng lộ trình cụ thể từ Quý III/2025 và điều chỉnh hằng năm).
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo trước ngày 30/9/2025 phải ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện từ phương tiện sử dụng xăng, dầu sang phương tiện sử dụng điện.
Xem thêm chi tiết tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025.
Theo Quyết định 1569/QĐ-TTg năm 2024 về Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 , tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến vành đai, trong đó có 5 tuyến chính gồm 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5) với tổng chiều dài 285,46 km.
Trong đó, tuyến Vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2 km.
Cụ thể, Vành đai 1 sẽ bao gồm các tuyến đường, phố:
Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư- Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân.
Phạm vi của Vành đai 1 chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ).
Vành đai 1 sẽ là tuyến vành đai đầu tiên của Hà Nội được khép kín khi đoạn Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục hoàn thành.
Danh sách các tuyến đường ở Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng từ 1/7/2026 (Hình từ internet)
Theo Dự thảo Quyết định về lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam, dự kiến từ 01/01/2027 áp dụng quy chuẩn khí thải xe máy tại Hà Nội và TPHCM. Cụ thể nội dung quy định như sau:
(1) Thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành:
- Từ 01 tháng 01 năm 2027 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn 02 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ 01 tháng 01 năm 2028 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn 04 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, gồm thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và thành phố Huế.
- Từ 01 tháng 01 năm 2030 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố này có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.
- Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành vào “vùng phát thải thấp” của thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô phải đáp ứng quy định về khí thải theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
(2) Xe mô tô sản xuất trước năm 2008, áp dụng Mức 1 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
(3) Xe mô tô sản xuất từ năm 2008 đến năm 2016, áp dụng Mức 2 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
(4) Xe mô tô sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2026, áp dụng Mức 3 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
(5) Xe mô tô sản xuất sau ngày 01 tháng 7 năm 2026, áp dụng Mức 4 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
(6) Xe gắn máy sản xuất trước năm 2016, áp dụng Mức 1 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
(7) Xe gắn máy sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2027, áp dụng Mức 2 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
(8) Xe gắn máy sản xuất từ ngày 01 tháng 7 năm 2027, áp dụng Mức 4 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
(9) Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng quy định về khí thải Mức 2 trở lên, tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2032.
(10) Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành vào “vùng phát thải thấp” của thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô phải đáp ứng quy định về khí thải theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Xem thêm tại Dự thảo Quyết định về lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Anh Hào