Bội chi ngân sách nhà nước là gì? Các nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước

21/09/2022 13:48 PM

Bội chi ngân sách nhà nước là gì? Khi ngân sách nhà nước bị bội chi, thì được phép bù đắp từ những nguồn nào theo quy định pháp luật? - Bình Dương

Bội chi ngân sách nhà nước là gì? Các nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước

Bội chi ngân sách nhà nước là gì? Các nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bội chi ngân sách nhà nước là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015, bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh.

Trong đó:

- Bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách trung ương.

- Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương.

2. Bội chi ngân sách nhà nước được bù đắp từ các nguồn nào?

(1) Bội chi ngân sách trung ương

Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Vay trong nước từ phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

- Vay ngoài nước từ các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ các nước, các định chế tài chính các nước và các tổ chức quốc tế; phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế; không bao gồm các khoản Chính phủ vay về cho các tổ chức kinh tế vay lại.

(2) Bội chi ngân sách địa phương

Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, bội chi ngân sách địa phương được bù đắp từ các nguồn sau:

- Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

- Vay từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.

Ngoài ra, việc vay để bù đắp bội chi ngân sách quy định tại (1), (2) không bao gồm sổ vay để trả nợ gốc.

3. Điều kiện được phép bội chi ngân sách tại từng địa phương

Ngân sách cấp tỉnh từng địa phương được phép bội chi khi đáp ứng đủ các quy định và điều kiện sau:

-  Chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước 2015:

Chi ngân sách địa phương cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định

- Bội chi ngân sách cấp tỉnh hằng năm không vượt quá mức bội chi ngân sách hằng năm được Quốc hội quyết định cho từng địa phương cấp tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước 2015:

Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện được phép bội chi ngân sách địa phương để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.

- Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán, không phát sinh nợ quá hạn đối với các khoản nợ vay phải thanh toán trong năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán. Trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính trình Chính phủ;

- Vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương được huy động chủ yếu từ các khoản vay trung và dài hạn. Hằng năm, căn cứ diễn biến thị trường vốn, Bộ Tài chính trình Chính phủ tỷ lệ tối thiểu các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương có thời hạn vay trung và dài hạn;

- Số dư nợ vay của ngân sách địa phương, bao gồm cả số vay bù đắp bội chi ngân sách theo dự toán, không vượt mức dư nợ vay quy định tại khoản 6 Điều này.

(Khoản 3 Điều 4 Nghị định 163/2016/NĐ-CP)

4. Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương

Cụ thể tại khoản 6 Điều 4 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương được quy định như sau:

- Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

- Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương, không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;

- Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương, không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;

- Việc xác định số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn chi thường xuyên quy định tại điểm b và điểm c của khoản này trên cơ sở dự toán thu, chi ngân sách địa phương được Quốc hội quyết định của năm dự toán ngân sách, số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp được xác định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, không bao gồm khoản thu kết dư ngân sách địa phương.

Chia sẻ bài viết lên facebook 52,593

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079