Cộng tác viên thanh tra là ai? Quy định về việc trưng tập cộng tác viên thanh tra

14/10/2022 10:29 AM

Tôi nghe nói có chức danh công tác viên thanh tra. Xin hỏi cộng tác viên thanh tra là ai? Tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra - Quốc Tâm (Bắc Ninh)

Cộng tác viên thanh tra là ai? Quy định về việc trưng tập cộng tác viên thanh tra

Tôi nghe nói có chức danh công tác viên thanh tra. Xin hỏi cộng tác viên thanh tra là ai? Tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra - Quốc Tâm (Bắc Ninh)

1. Cộng tác viên thanh tra là ai?

Trong hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra nhà nước có quyền trưng tập cộng tác viên thanh tra. Cộng tác viên thanh tra là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra.

Cộng tác viên thanh tra là người được cơ quan thanh tra nhà nước trưng tập tham gia Đoàn thanh tra.

Cộng tác viên thanh tra là người không thuộc biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước.

(Điều 35 Luật Thanh tra 2010, Điều 21 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)

2. Tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra

Tại Điều 22 Nghị định 97/2011/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra như sau:

Cộng tác viên thanh tra là công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan trưng tập.

3. Trưng tập cộng tác viên thanh tra

Trưng tập cộng tác viên thanh tra được quy định tại Điều 23 Nghị định 97/2011/NĐ-CP quy định như sau:

- Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước có quyền trưng tập cộng tác viên thanh tra.

- Việc trưng tập cộng tác viên thanh tra phải thực hiện bằng văn bản.

Nội dung văn bản trưng tập cộng tác viên thanh tra phải ghi rõ căn cứ để trưng tập, đối tượng được trưng tập, thời gian trưng tập, nơi làm việc, chế độ đãi ngộ.

Trước khi trưng tập cộng tác viên thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước phải thống nhất với cơ quan quản lý trực tiếp người được trưng tập.

- Khi kết thúc thời gian trưng tập, cơ quan trưng tập có văn bản nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ của cộng tác viên thanh tra gửi cho Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người được trưng tập.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra

Cộng tác viên thanh tra khi tham gia Đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra theo quy định tại Điều 47 và Điều 54 Luật Thanh tra.

Điều 47. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra hành chính

1. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra.

2. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó.

3. Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 46 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

4. Kiến nghị việc xử lý về vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra.

5. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra và trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo

 

 

Điều 54. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra theo Đoàn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra;

b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 53 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

d) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

đ) Kiến nghị việc xử lý về vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra;

e) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.

2. Trong quá trình thanh tra, các thành viên khác của Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều này.

3. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

b) Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;

c) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

d) Báo cáo Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

 

5. Chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra

- Trong thời gian tham gia Đoàn thanh tra, cộng tác viên thanh tra được hưởng các chế độ:

+ Cơ quan trực tiếp quản lý trả lương, phụ cấp (nếu có);

+ Cơ quan trưng tập chi trả tiền công tác phí, bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác như thành viên của Đoàn thanh tra.

Trường hợp cơ quan trưng tập không trực tiếp quản lý nguồn kinh phí chi trả thì cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan trưng tập chi trả công tác phí cho cộng tác viên thanh tra theo đề nghị của cơ quan trưng tập.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cộng tác viên thanh tra phù hợp với đặc điểm hoạt động thanh tra do bộ, ngành quản lý.

(Điều 25 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)

6. Kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra

- Kinh phí cho việc trưng tập cộng tác viên thanh tra thuộc cơ quan thanh tra nhà nước cấp nào thì do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm.

- Hàng năm, các cơ quan thanh tra nhà nước lập dự toán kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra được cấp ngoài định mức khoán chi hành chính theo biên chế.

(Điều 26 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)

Ngọc Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,242

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079