Hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

01/06/2024 17:45 PM

Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công được hướng dẫn tại Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

Hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công 

* Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công với cá nhân cư trú

Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công được hướng dẫn xác định như sau:

- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 92/2015/TT-BTC);

- Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế:

Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 92/2015/TT-BTC) là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.

* Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công với cá nhân không cư trú

Theo khoản 2 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thực hiện theo công thức sau:

- Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = (Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam/Tổng số ngày làm việc trong năm) x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ luật Lao động 2019.

- Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = (Số ngày có mặt ở Việt Nam/365 ngày) x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.

2. Hướng dẫn khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ tiền lương, tiền công

Hướng dẫn khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 92/2015/TT-BTC) như sau:

- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.

- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

- Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế).

- Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ thuế đối với khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ thuế trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động đối với khoản bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập mua cho người lao động. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

- Số thuế phải khấu trừ đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 92/2015/TT-BTC); của cá nhân không cư trú được xác định theo Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,188

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079