Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt

06/09/2024 19:00 PM

Nội dung bài viết hướng dẫn những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhân người bị giữ, bị bắt theo quy định pháp luật hiện hành.

Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt

Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt (Hình ảnh từ Internet)

1. Các trường hợp khẩn cấp được phép giữ người

Tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:

- Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

- Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

- Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

2. Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt

Tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt như sau:

- Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

- Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.

Trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết; nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.

Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất.

- Trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt chuyển giao người bị bắt cho cơ quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất.

3. Biên bản về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người

- Người thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, thi hành lệnh hoặc quyết định bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm giữ, bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tài liệu, đồ vật bị tạm giữ, tình trạng sức khỏe và ý kiến, khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt và các nội dung quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Biên bản được đọc cho người bị giữ, người bị bắt và người chứng kiến nghe. Người bị giữ, người bị bắt, người thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt và người chứng kiến cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật của người bị giữ, người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

- Khi giao, nhận người bị giữ, người bị bắt phải lập biên bản.

Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao biên bản lấy lời khai, tài liệu, đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khoẻ của người bị giữ, người bị bắt và những tình tiết xảy ra khi giao nhận.

(Theo Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Chia sẻ bài viết lên facebook 347

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079