Các yếu tố được sử dụng để đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

20/09/2024 20:15 PM

Bài viết sau có nội dung về các yếu tố được sử dụng để đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định trong Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

Các yếu tố được sử dụng để đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Các yếu tố được sử dụng để đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Hình từ Internet)

1. Các yếu tố được sử dụng để đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 35/2020/NĐ-CP thì việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được căn cứ vào một hoặc một số yếu tố như sau:

- Diễn biến, xu hướng thay đổi mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận được đánh giá trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh không tham gia thỏa thuận;

- Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường được đánh giá để xác định tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận căn cứ vào những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2020/NĐ-CP;

- Hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ được đánh giá để xác định tác động hoặc khả năng gây tác động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đối với mục tiêu nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc nâng cao năng lực công nghệ trong ngành và lĩnh vực liên quan;

- Giảm khả năng tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu được đánh giá căn cứ vào mức độ thiết yếu của cơ sở hạ tầng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi phí, thời gian để các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh không tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng đó hoặc cơ sở hạ tầng tương tự;

- Tăng chi phí, thời gian của khách hàng trong việc mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hoặc khi chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ liên quan khác được xác định bằng việc so sánh chi phí, thời gian cần thiết của khách hàng khi mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hoặc khi chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trước và sau khi có thỏa thuận;

- Gây cản trở cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận được xác định dựa trên mức độ chi phối của các yếu tố đặc thù đó đối với hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh

- Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường sau đây:

+ Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

+ Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

+ Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

- Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

(Theo Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018)

Chia sẻ bài viết lên facebook 46

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079