Hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng

25/09/2024 14:30 PM

Nội dung bài viết sau hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng theo quy định pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng

Hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng (Hình ảnh từ Internet)

1. Nội dung kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí

Tại Điều 6 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì nội dung chính của kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí được quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Một số nội dung được quy định chi tiết như sau:

- Về đánh giá công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí cấp quốc gia; nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí:

+ Hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí quốc gia trong giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất; tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí và phân bố phát thải theo không gian từ các nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện; ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe cộng đồng;

+ Kết quả thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường không khí và khí thải công nghiệp; việc sử dụng số liệu quan trắc phục vụ công tác đánh giá diễn biến và quản lý chất lượng môi trường không khí trong giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất;

+ Hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất; các vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí;

+ Nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí.

- Mục tiêu quản lý chất lượng môi trường không khí:

+ Mục tiêu tổng thể: tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo kỳ kế hoạch;

+ Mục tiêu cụ thể: định lượng các chỉ tiêu nhằm giảm thiểu tổng lượng khí thải phát sinh từ các nguồn thải chính; cải thiện chất lượng môi trường không khí.

- Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí:

+ Về cơ chế, chính sách;

+ Về khoa học, công nghệ nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí;

+ Về quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

- Chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

- Quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh phải thể hiện đầy đủ các nội dung, biện pháp phối hợp xử lý, quản lý chất lượng môi trường không khí; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh, thu thập và báo cáo, công bố thông tin trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, bao gồm:

+ Phân công trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch;

+ Cơ chế giám sát, báo cáo, đôn đốc thực hiện;

+ Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch;

+ Cơ chế phân bổ nguồn lực thực hiện.

2. Hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng

Tại Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như sau:

- Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương X Luật Bảo vệ môi trường 2020.

- Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 14 Luật Bảo vệ môi trường 2020 chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau:

+ Hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

+ Hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ;

+ Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học;

+ Tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.

- Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi nội tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

- Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng được xác định như sau:

+ Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp liên vùng, liên tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh trở lên trong thời gian 03 ngày liên tục;

+ Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn trong thời gian 03 ngày liên tục.

Chia sẻ bài viết lên facebook 96

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079