Theo đó, các yêu cầu tại Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025 như sau:
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, nỗ lực, hành động của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, ưu tiên nguồn lực triển khai. Xác định kết quả triển khai Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025 là một trong các căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của các bộ, cơ quan, địa phương năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.
- Cải cách TTHC xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
- Thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua việc sử dụng các nền tảng, dữ liệu số được kết nối, chia sẻ đồng bộ thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương và trong nội bộ cơ quan, tổ chức.
- Các bộ, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm và chủ động tổ chức triển khai Kế hoạch này, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, kịp thời phản ánh những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
- Phát huy tốt nhất vai trò Tổ công tác cải cách TTHC và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; kịp thời nắm bắt, chỉ đạo xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
- Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sự tham gia của các cấp, các ngành, chuyên gia, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác truyền thông tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Xem thêm tại Quyết định 240/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 04/02/2025.