Bộ Công Thương tiếp tục “treo” các điều kiện kinh doanh

28/09/2016 10:56 AM

Việc bãi bỏ hay không bãi bỏ các điều kiện kinh doanh dưới dạng thủ tục hành chính của Bộ Công Thương ở các ngành kinh doanh gas, nhập khẩu ô tô,… vẫn tiếp tục được “treo” lại sau đợt lấy ý kiến rộng rãi của bộ này về các vấn đề nêu trên.

Hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định, thủ tục hành chính ngành công-thương” diễn ra hôm 27-9 tại Hà Nội dự báo trước là sẽ rất “nóng” do trong suốt thời gian qua, hàng loạt điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đã ban hành hoặc đang lấy ý kiến được cho là gây cản trở hoạt động kinh doanh, gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nhiều ngành, nghề.

Ngành công thương hiện duy trì 447 thủ tục hành chính (TTHC) ở các cấp. Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với vai trò là ngành chiếm hơn 80% GDP thì con số thủ tục này không phải là quá nhiều. Song ông Khánh cũng thừa nhận số lượng thủ tục không quan trọng bằng việc đơn giản, hiện đại hóa và minh bạch.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế bộ này nói tại hội nghị với các doanh nghiệp rằng, các thủ tục xuất phát từ 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là con số lớn gấp đôi so với số lượng trung bình tại các bộ, ngành khác.

Tuy nhiên, hiện một số điều kiện kinh doanh, được thể hiện dưới dạng TTHC, đang gây tranh cãi rất lớn và các hiệp hội, doanh nghiệp yêu cầu bãi bỏ. Đó là Nghị định 19 về kinh doanh khí hóa lỏng (LPG), các quy định trong Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu, phân phối xe ô tô, hay Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formadehiyt  trong mẫu vải.

Hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các vụ liên quan phải xem xét, sửa đổi cho phù hợp các quy định này nhằm để “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Do đó, tại hội nghị, đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh gas, ô tô… đã có mặt để đề nghị Bộ Công Thương có câu trả lời chính thức về việc bãi bỏ hay không.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh LPG, nói rằng Nghị định 19 quy định rằng tổng đại lý kinh doanh LPG buộc phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 2.000 bình LPG thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu, có 100.000 vỏ bình và 300m2 bồn chứa,10 đại lý… hoặc quy định doanh nghiệp phân phối phải ký hợp đồng với một tổng đại lý hoặc ba đầu mối phân phối… Những quy định này là rất bất cập, hạn chế quyền tự do kinh doanh. Bà đề nghị bỏ điều kiện nêu trên vì đây là các quy định “luẩn quẩn, đánh đố doanh nghiệp”.

Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, phát biểu: “Một loạt chính sách do bộ soạn thảo, trình ra không còn phù hợp, đòi hỏi quá nhiều về quy mô kinh doanh”. Ông ví dụ như Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa 5.000 tấn thóc, thuộc sở hữu doanh nghiệp… Hay Nghị định 202 quy định về sản xuát kinh doanh phân bón hay Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có lợi cho các doanh nghiệp lớn…

 “Các quy định này trước đây có thể đúng nhưng nay là trái luật do vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014”, ông Đức nói, và nhấn mạnh doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh quy mô kinh doanh, tự chủ kinh doanh thay vì chịu sự điều hành mang tính trực tiếp, can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước.

Thậm chí ông Đức còn cho rằng sự can thiệp quá sâu dẫn đến vi phạm Luật Cạnh tranh, vi phạm Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũng lên tiếng vì Thông tư 20 đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7 đến nay chưa có quyết định mới thay thế, trong khi Bộ Công Thương “đẩy” điều kiện sang cho các bộ liên quan. Vẫn câu hỏi quen thuộc mà các nhà nhập khẩu ô tô phải đặt ra: Tại sao không bỏ giấy ủy quyền chính hãng mà thay thế bằng điều kiện khác, tại sao phải có giấy chứng nhận cơ sở sửa chữa bảo hành chính hãng?

Giám đốc Công ty thương mại Thiên An Phúc Vũ Tuấn nói rằng, việc kéo dài thời gian thi hành Thông tư 20 mà không có câu trả lời chính xác là một cách mang lại lợi ích nhóm cho Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) trong những tháng cuối năm, khi các nhà nhập khẩu nhỏ không đủ điều kiện để nhập hàng, trong khi chỉ các thành viên như VAMA thì thoải mái bán hàng do đủ điều kiện.

Trả lời các thắc mắc của các doanh nghiệp, hiệp hội, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ quyết định về việc kiểm tra hàm lượng Formadehit trong mẫu vải nhập khẩu; còn các quy định khác về kinh doanh khí, gas, nhập khẩu ô tô cần ý kiến liên bộ. Tuy nhiên, ông Khánh chưa đưa ra thời hạn hồi đáp các kiến nghị này.

Lan Nhi

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,689

TIN TỨC LIÊN QUAN

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079