Bài 3: Thủ tục cần... 18 bộ hồ sơ và đột phá của Bộ

08/09/2017 09:31 AM

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo thay thế Nghị định 73 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục – từng được phàn nàn là có những thủ tục khiến nhà đầu tư khó có đủ kiên nhẫn và các trường lớn như Harvard nếu có muốn cũng phải ngần ngại khi vào Việt Nam.

Cuối năm 2014, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tất cả các đại biểu đã phải ồ lên khi một diễn giả công bố tấm ảnh một luật sư ôm một chồng hồ sơ để làm thủ tục mở rộng chi nhánh của một trung tâm ngoại ngữ.

Luật sư

Vị luật sự ôm chồng hồ sơ để làm thủ tục mở rộng chi nhánh một trung tâm ngoại ngữ. Hình ảnh được công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2014.

Nhà đầu tư khó có đủ kiên nhẫn

Sau đó, chính luật sư này chia sẻ trên báo chí rằng đó mới chỉ là bộ hồ sơ để xin cấp một giấy phép, còn thực tế để mở một trung tâm ngoại ngữ hay một cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cần số hồ sơ gấp ba lần như thế - khoảng 18 bộ.

Nguyên nhân khiến nhà đầu tư phải vất vả như vậy là những vướng mắc, bất cập tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP và liên tục trong nhiều kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nhóm công tác giáo dục và đào tạo đã kiến nghị hàng loạt vấn đề liên quan đến Nghị định này.

Theo ông Khalid Muhmood, trưởng nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn, trước đây quy trình thành lập một cơ sở giáo dục đào tạo chỉ yêu cầu hai loại giấy phép, nhưng Nghị định 73 lại yêu cầu 3 loại giấy phép (giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động) với thủ tục pháp lý và hồ sơ xin cấp phép tương tự nhau.

Chỉ riêng hồ sơ xin giấy phép đầu tư đã yêu cầu thẩm quyền của 7 sở ban ngành gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, UBND cấp  huyện (cần có sự cho phép của hai cơ quan khác là Sở Quy hoạch - Kiến trúc và cảnh sát phòng cháy chữa cháy), sau đó sẽ được UBND cấp tỉnh cho phép.

Giấy phép thành lập yêu cầu thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp tỉnh và Sở Nội vụ. Cuối cùng là giấy phép hoạt động, chỉ yêu cầu sự cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều này dẫn đến việc thanh, kiểm tra ba lần bởi cùng 3 cơ quan chức năng khác nhau với cùng một cơ sở giáo dục. Nói cách khác, quy trình phức tạp hơn nhiều so với trước đây và theo ông Khalid Muhmood, “các nhà đầu tư khó có thể đủ kiên nhẫn để trải qua tất cả những thủ tục cấp phép rắc rối này”.

Nghị định cũng yêu cầu thủ tục và hồ sơ đăng ký tương tự như nhau cho tất cả các loại hình cơ sở giáo dục, trong khi theo nhóm công tác, việc thành lập một trung tâm ngoại ngữ nên dễ dàng hơn là một trường đại học. Và ngay cả khi một trường đại học uy tín muốn mở rộng khuôn viên ở một địa điểm mới thì phải trải qua một quá trình tương tự với việc đầu tư hoàn toàn mới.

Thủ tục chưa phải vấn đề đau đầu nhất

Thế nhưng đại diện nhiều tổ chức giáo dục nước ngoài cũng cho rằng sự rắc rối về thủ tục chắc chưa phải khâu đau đầu nhất với họ. Vấn đề khó cho nhà đầu tư đối với quy định hiện tại là họ phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được cấp phép như: cơ sở vật chất, thiết bị phải đảm bảo định mức đầu tư, rồi diện tích tối thiểu/người học là bao nhiêu, cả số giáo viên, bằng cấp và giấy phép lao động tại Việt Nam của giáo viên...

Với các quy định này, nhà đầu tư nhiều khi phải ký hợp đồng thuê và trả lương giáo viên, mua hoặc thuê cơ sở dạy học rồi mới được đi xin cấp phép, mặc dù chưa biết có được chấp nhận hay không.Và trong thời gian chờ đợi cấp phép thì vẫn phải trả lương cho giáo viên vì đã ký hợp đồng lao động.

Yêu cầu về đội ngũ giảng viên cũng được coi là “quá cao và khắt khe”. Ông Phillip Dowler - Trưởng chi nhánh Hà Nội đại học RMIT Việt Nam cho hay trong những ngành đặc thù như thiết kế, thời trang, một số giảng viên nước ngoài được đánh giá cao về chuyên môn trong nghề, nhưng họ không có 5 năm kinh nghiệm giảng dạy. Điều này khiến các trường khó tuyển mộ đủ giảng viên đáp ứng yêu cầu, dù nhu cầu học tập các chương trình này tăng lên.

Việc hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam được đăng ký học tại các trường quốc tế là 10% ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, 20% ở bậc phổ thông cũng được nhà đầu tư đánh giá chưa hợp lý. Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, quy định này là “quá phi thực tế”. Thứ hai là quy trình thủ tục phải 4 bước là xem xét chủ trương, đầu tư, thành lập trường và đủ điều kiện là rất phức tạp.

 “Quy định như vậy thì không có Harvard nào vào Việt Nam cả; các trường lớn không bao giờ vào vì những thủ tục này”, ông Hoàng nói tại một cuộc họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, theo tường thuật của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy số lượng dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành giáo dục còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô, với chỉ hơn 3,6 tỷ USD vốn đăng ký, từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến hết tháng 11/2015.

Kỳ vọng và băn khoăn

Nay, ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết dự thảo mới thay thế Nghị định 73 sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam.

Cụ thể, thủ tục để thành lập một cơ sở đào tạo mới sẽ đơn giản hơn. Ví dụ, đối với cơ sở chỉ đào tạo ngắn hạn thì thủ tục thành lập đơn giản hơn so với việc thành lập trường học, trường phổ thông, trường đại học. Dự thảo cũng sẽ bãi bỏ quy định về tỷ lệ học sinh Việt Nam nhằm thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, hầu hết các kiến nghị  tại  các Diễn đoàn Doanh nghiệp về  sửa đổi Nghị  định 73 đã được tiếp thu trong dự thảo mới.

Cụ thể, đơn giản hóa việc thành lập các cơ sở  giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo loại  hình. Loại hình cơ sở  đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn thì áp dụng quy trình hai bước: xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và xin cấp phép hoạt động giáo dục.

Còn các cơ sở  giáo dục mầm non, cơ sở  giáo dục phổ  thông, cơ sở  giáo dục đại học áp dụng quy trình ba bước:  xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, xin cấp quyết định thành lập và xin cấp phép hoạt động giáo dục.

Về  thủ  tục thành lập cơ sở  giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, việc xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Dự thảo mới cũng cho  phép thành lập phân hiệu Đại học là do Bộ  trưởng Bộ  Giáo dục và Đào tạo quyết định như là với phân hiệu các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. thay vì phải trình Thủ tướng như trước đây.

Đặc biệt, dự thảo điều chỉnh quy định để  cho phép các cơ sở  giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thuê ổn định cơ sở vật chất. Yêu cầu trước đây là phải đầu tư xây dựng. Đồng thời đề  xuất sửa đổi quy định về  trình độ  tiến sĩ đối với giảng viên giảng dạy các ngành đặc thù như mỹ thuật, thời trang, âm nhạc, ẩm thực…

Đại diện nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đánh giá dự thảo thay thế Nghị định 73 đã có nhiều điểm thay đổi theo hướng thông thoáng hơn rất nhiều, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nhưng vẫn đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trong một hội thảo gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết ông “khá bất ngờ” vì những thay đổi tích cực trong dự thảo.

 “Như có ý kiến nói, trước đây kiến nghị tới 50 điểm nhưng nay chỉ còn 6-7 điểm. Ban soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, khách quan vì mục đích có thể đưa ra cơ sở pháp lý có tính khả thi, tạo thuận lợi cho việc liên kết đầu tư nước ngoài”, ông Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng dự thảo vẫn còn những quy định cần xem xét thêm. Chẳng hạn quy định dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, theo một số chuyên gia, là có thể chưa phù hợp với xu thế kinh tế sẻ chia hiện nay, nhất là khi việc đào tạo có thể tiến hành qua mạng rất thuận tiện.

Điều này cũng không khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương không phải là các thành phố lớn của Việt Nam.

Hà Chính

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,129

TIN TỨC LIÊN QUAN

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079