Phải loại bỏ 2/3 điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp mới dễ 'thở'

31/07/2017 17:05 PM

Quá nhiều điều kiện kinh doanh bó buộc và bị “trói” bởi hàng ngàn giấy phép con khiến các DN Việt không thể lớn lên được, ngược lại ngày càng có xu hướng thu hẹp quy mô, dẫn đến phá sản. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, cần phải loại bỏ 2/3 trong số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay, DN mới có thể phát triển.

Quá nhiều điều kiện kinh doanh bó buộc và bị “trói” bởi hàng ngàn giấy phép con khiến các DN Việt không thể lớn lên được. Ảnh minh họa

tôm

Bị “trói” bởi những quy định vô lý

Theo con số thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện, riêng đối với ngành công thương, có đến 700 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh, con số này với ngành tài chính là 490 và với ngành giao thông là 376… Những con số nói trên cho thấy, các DN Việt Nam đang phải hoạt động trong một môi trường kinh doanh không hề thoải mái chút nào nếu không muốn nói là rất “chật trội”.

Mặc dù Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, song theo phản ảnh của cộng đồng DN, bước chân vào thương trường họ luôn phải đối diện với hàng ngàn giấy phép con, hàng trăm quy định yêu cầu “được làm cái này không được làm cái kia” khiến cho DN rất khó xoay sở.

Nói về những điều kiện kinh doanh đang “kìm chân” DN, bà Nguyễn Lan Anh, chủ một DN kinh doanh ngành khí gas ở Khánh Hòa nhớ lại, trong suốt một thời gian dài, bà Lan Anh cùng các đồng nghiệp đã rất khổ sở vì các quy định, điều kiện được phép kinh doanh khí, ví dụ quy định về số lượng bình phải có 100 ngàn vỏ bình và diện tích bồn chứa tối thiểu 300m2, và để đáp ứng được quy định này, bà cũng như nhiều chủ DN kinh doanh khí gas khác đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ đầu tư vào số lượng vỏ bình cũng như mặt bằng kho chứa vô cùng tốn kém. “Để đáp ứng các điều kiện kinh doanh đưa ra, chúng tôi phải bỏ ra số tiền đầu tư lên đến cả chục tỷ đồng, như vậy, DN nhỏ làm sao có thể sống được” - bà Lan Anh than thở.

Tình trạng những quy định, điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho DN còn tồn tại ở hàng loạt lĩnh vực kinh tế khác. Đơn cử, đối với ngành giao thông vận tải, theo phản ảnh của nhiều DN kinh doanh lĩnh vực taxi, quy định tại Nghị định 86 phải có tối thiểu 10 xe ô tô và đối với đô thị loại đặc biệt là 50 xe mới được phép kinh doanh taxi đã bó chân DN. Theo các DN hoạt động trong lĩnh vực này, với quy định buộc phải có 50 xe (DN hoạt động ở các đô thị) thì họ cần số tiền trên 10 tỷ đồng và phải có trên 50 lao động. Quy định này vô hình chung loại bỏ DN nhỏ, vì chỉ có những DN lớn mới đủ khả năng đáp ứng.

Làm sao để DN dễ thở hơn?

Còn nhớ, vô cùng bức xúc với con số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay, và không dừng lại ở đó, các lĩnh vực còn “đẻ” ra hàng ngàn giấy phép con, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã phải thẳng thắn nêu ra quan điểm rằng, Nhà nước đang áp đặt quá mức các điều kiện kinh doanh để can thiệp vào thị trường, điều này không tạo ra động lực khuyến khích sự phát triển của DN, ngược lại còn trở thành những tấm “barie” chắn đường DN.

Đơn cử về quy định kinh doanh taxi phải có tối thiểu 10 xe ô tô và 50 xe mới được hoạt động trong đô thị đặc biệt, TS Cung cho rằng, trong thời đại kinh tế ngày càng phát triển hiện nay, kể cả không có xe người ta cũng có thể khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh được, đưa ra quy định này là hết sức buồn cười, vô lý. Theo TS Cung, việc nhà quản lý đặt ra nhiều điều kiện như vậy đang tạo ra những khuyến khích... ngược, dập tắt sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN, làm phát sinh thêm chi phí gia nhập thị trường, như vậy thì chỉ có hại thêm cho nền kinh tế chứ không hề tạo động lực cho DN. Theo vị chuyên gia này, trong số hàng trăm lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hiện nay, cần phải loại bỏ đi 2/3 số điều kiện kinh doanh may ra DN mới dễ thở.

Là một chủ DN hoạt động lâu năm trong ngành dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dệt may Hưng Yên bày tỏ quan điểm, các DN mong muốn nhà quản lý cần phải sớm tư duy quản lý kiểu này. Muốn có một nền kinh tế thị trường thực sự, cần thiết chúng ta phải tham khảo từ các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực ASEAN để học hỏi. Còn lúc nào trong tư duy cũng lo lắng rằng “thả ra sẽ khó quản”, rồi quay về làm luật theo hướng “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” thì bao giờ DN của ta mới lớn nổi? “Nhà nước chỉ nên can thiệp vào thị trường khi thị trường không tự điều chỉnh được. Không phải ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải có điều kiện kinh doanh, như thế chỉ gây thêm khó khăn cho DN, chứ không hề thấy tạo động lực gì” - ông Dương nhấn mạnh.

Vũ Vũ

Theo Báo Công thương điện tử

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,011

TIN TỨC LIÊN QUAN

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079