Hiệp định RCEP 17/11/2020 14:12 PM

Bản tiếng Việt Hiệp định RCEP: Chương 1 Mục tiêu và định nghĩa chung

17/11/2020 14:12 PM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng giới thiệu bản tiếng Việt Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Chương 1 Mục tiêu và định nghĩa chung

CHƯƠNG 1

MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH NGHĨA CHUNG

Điều 1.1: Thành lập Khu vực thương mại tự do Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Các Bên bằng Hiệp định này sẽ thành lập Khu vực thương mại tự do Đối tác kinh tế toàn diện khu vực phù hợp với Điều XXIV Hiệp định GATT 1994 và Điều V Hiệp định GATS.

Điều 1.2: Các định nghĩa chung

Đối với Hiệp định này, trừ trường hợp có quy định khác:

(a) Hiệp định AD nghĩa là Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO

(b) Hiệp định nghĩa là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực;

(c) Hiệp định Nông nghiệp nghĩa là Hiệp định Nông nghiệp trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(d) Hiệp định Định giá Hải quan nghĩa là Hiệp định về thực thi Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(e) ngày nghĩa là ngày dương lịch, bao gồm cả các ngày cuối tuần và các ngày nghỉ lễ;

(f) hiện hành nghĩa là có hiệu lực vào thời điểm Hiệp định này có hiệu lực;

(g) GATS nghĩa là Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ, trong Phụ lục 1B của Hiệp định WTO;

(h) GATT 1994 là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(i) GPA là Hiệp định về Mua sắm Chính phủ trong Phụ lục 4 của Hiệp định WTO;

(j) Hệ thống hài hòa hoặc HS nghĩa là Hệ thống Hài hòa Mã số và Mô tả hàng hóa, bao gồm cả các Quy định và Định nghĩa chung, chú giải mục, chú giải chương và chú giải phân nhóm, được thông qua và điều hành bởi Tổ chức Hải quan thế giới, được quy định tại Phụ lục của Công ước quốc tế về Hệ thống hài hòa Mã số và Mô tả ký ngày 14 tháng 6 năm 1983 tại Brúc-xen, được các Bên sửa đổi, thông qua và thực thi theo luật tương ứng của mình;

(k) IMF là Quỹ Tiền tệ Quốc tế;

(l) Điều lệ của IMF là Điều lệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế được thông qua tại Bretton Woods ngày 22 tháng 7 năm 1944;

(m) Hiệp định Cấp phép nhập khẩu nghĩa là Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(n) pháp nhân là bất kỳ thực thể nào được thành lập hay tổ chức một cách hợp pháp theo pháp luật hiện hành, dù là hoạt động vì lợi nhuận hay không, và thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước, bao gồm công ty, công ty tín thác, hợp danh, liên doanh, công ty một chủ, hiệp hội hoặc các tổ chức tương tự;

(o) Nước kém phát triển nhất nghĩa là bất kỳ quốc gia nào được Liên hợp quốc quy định như vậy hoặc các quốc gia chưa ra khỏi nhóm các nước kém phát triển nhất;

(p) Bên nước kém phát triển nhất là bất kỳ Bên nào là nước kém phát triển nhất;

(q) biện pháp là bất kỳ biện pháp nào được đưa ra bởi một Bên, dưới hình thức luật, quy định, quy tắc, thủ tục, quyết định, hành vi hành chính hoặc bất kỳ hình thức nào khác;

(r) Bên nghĩa là bất kỳ Nhà nước hoặc vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt nào mà Hiệp định này có hiệu lực;

(s) hàng hóa dễ hư hỏng nghĩa là hàng hóa phân rã nhanh chóng do các đặc tính tự nhiên của chúng, đặc biệt là trong trường hợp không có điều kiện bảo quản thích hợp;

(t) người nghĩa là thể nhân hoặc pháp nhân;

(u) thông tin cá nhân nghĩa là bất kỳ thông tin gì, bao gồm dữ liệu, về cá nhân đã được xác định hoặc có thể xác định được;

(v) Hiệp định Giám định hàng hóa trước khi xếp hàng nghĩa là Hiệp định Giám định hàng hóa trước khi xếp hàng tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(w) RCEP nghĩa là Đối tác kinh tế toàn diện khu vực;

(x) Ủy ban hỗn hợp RCEP nghĩa là Ủy ban hỗn hợp RCEP được thành lập theo Điều 18.2 (Thành lập Ủy ban hỗn hợp RCEP);

(y) Hiệp định Tự vệ nghĩa là Hiệp định Tự vệ trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(z) Hiệp định SCM nghĩa là Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(aa) doanh nghiệp vừa và nhỏ nghĩa là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ, và có thể được định nghĩa thêm theo đúng luật, quy định và chính sách trong nước của từng Bên;

(bb) Hiệp định SPS nghĩa là Hiệp định về Áp dụng các Biện pháp Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(cc) Hiệp định TBT nghĩa là Hiệp định về Hàng rào Kỹ thuật trong thương mại trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(dd) văn bản hành chính thương mại là các hình thức được ban hành hoặc kiểm soát bởi một Bên mà nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu phải hoàn thành liên quan đến xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa;

(ee) Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại là Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(ff) Hiệp định TRIPS Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ trong Phụ lục 1C của Hiệp định WTO;

(gg) Understanding on the Balance-of-Payments Provisions Bản ghi nhớ về các Quy định về Cán cân Thanh toán Bản ghi nhớ về các Quy định về Cán cân Thanh toán của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

(hh) WTO là Tổ chức Thương mại Thế giới;

(ii) Hiệp định WTO là Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, hoàn thành vào ngày 15 tháng 4 năm 1994.

Điều 1.3: Mục tiêu

Các mục tiêu của Hiệp định này là:

(a) Thành lập một khuôn khổ hợp tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao, và cùng có lợi nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư khu vực và đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có tính đến giai đoạn phát triển và nhu cầu kinh tế của các Bên, đặc biệt là các Nước kém phát triển nhất;

(b) Từng bước tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại hàng hóa giữa các Bên thông qua, nhưng không hạn chế ở, xóa bỏ dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong hầu hết thương mại hàng hóa giữa các Bên;

(c) Từng bước tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các Bên, với phạm vi ngành đáng kể nhằm xóa bỏ hầu hết các hạn chế và các biện pháp phân biệt đối xử áp dụng trong thương mại dịch vụ giữa các Bên; và

(d) Tạo ra môi trường đầu tư tự do, thuận lợi và cạnh tranh trong khu vực để tăng cường cơ hội đầu tư và tăng cường sự thúc đẩy, sự bảo vệ, sự thuận lợi, và tự do hóa đầu tư giữa các Bên.

Chia sẻ bài viết lên facebook 9,856

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079