Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nguyên nhân là do Chủ tịch nước chưa gửi tờ trình về phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới Ủy ban Thường vụ, vì thế nội dung này sẽ chưa được đưa vào chương trình kỳ họp.
Ông Phúc cho biết, việc xem xét phê chuẩn TPP là nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét quyết định, tuy nhiên tới thời điểm này cơ quan thường trực của Quốc hội chưa nhận được tờ trình của Chủ tịch nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, về nguyên tắc khi nào Chủ tịch nước trình và cơ quan thẩm tra đảm bảo đủ điều kiện thì đưa vào chương trình kỳ họp. Nhưng cho tới nay chưa có cơ sở để đưa TPP vào chương trình kỳ họp.
Bà Ngân bổ sung thêm, việc này đã được báo chí quốc tế suy diễn sai khi giật tít là Quốc hội Việt Nam từ chối phê chuẩn TPP, và không đưa vào kỳ họp lần này, gây bất lợi lớn cho Việt Nam.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bổ sung: “Tình hình thế giới, Mỹ cũng đang diễn biến rất khác nhau, chúng ta nên cần thêm thời gian để theo dõi, xem xét. Cho tới giờ Chủ tịch nước chưa trình sang thì chưa nên bố trí vào chương trình”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết thêm, gần đây một phái đoàn của Mỹ gặp gỡ với đại diện ủy ban và đặt câu hỏi, phải chăng Quốc hội Việt Nam chần chừ trong phê chuẩn TPP.
Ông Tiến kể, ông đã trả lời: “Không, chúng tôi làm việc rất nghiêm túc và khẩn trương”.
Cuối tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị công việc liên quan đến TPP với đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu, đồng thời cân nhắc kỹ thời điểm trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế trong nước và quốc tế.
Trong khi chờ TPP được 12 thành viên sáng lập phê chuẩn, Việt Nam sẽ phải sửa rất nhiều điều khoản trong các luật liên quan đến lao động để tương thích với hiệp định này.
Hồi tháng 4 năm nay, Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết tới Chính phủ về lộ trình TPP, trong đó khẳng định Việt Nam được lợi nhiều mặt khi tham gia TPP.
Tư Hoàng
Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn