|
Hình minh họa |
Tăng thời hạn đào tạo nghề luật sư
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo
luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
luật sư. Qua đó cho thấy, nhiều ý kiến tán thành với quy định về thời
gian đào nghề luật sư là 12 tháng (Điều 12 dự thảo Luật); một số ý kiến
đề nghị cho giữ quy định như hiện hành (6 tháng); có ý kiến đề nghị phân
loại đối tượng để quy định thời gian đào tạo, theo đó, người công tác
trong lĩnh vực pháp luật thì thời gian đào tạo 6 tháng (có ý kiến đề
nghị chỉ nên 3 – 4 tháng), còn đối tượng khác là 12 tháng; có ý kiến đề
nghị kéo dài thời gian đào tạo chung lên 18 hoặc 24 tháng; có ý kiến đề
nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp căn cứ vào sự thay đổi của tình hình
thực tiễn để quy định thời gian đào tạo nghề luật sư, tránh phải sửa đổi
Luật nhiều lần về vấn đề này.
Sau khi tiếp thu kiến của các địa biểu
Quốc hội, tham khảo các ý kiến chuyên gia... Ủy ban thường vụ quốc hội
đề nghị Quốc hội tăng thời gian đào tạo nghề luật sư gấp đôi thời gian
đào tạo hiện hành.
Trong phần trình bày Báo cáo của Ủy
ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của
Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: “Để nâng cao chất lượng luật sư,
từng bước bảo đảm mặt bằng chung giữa luật sư với các chức danh tư pháp
thì cần chuẩn hóa việc đào tạo nghề luật sư, theo đó, thời gian đào tạo
nghề luật sư cần được điều chỉnh để cân đối với chương trình đào tạo
nghề của các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành
viên. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật luật sư, UBTVQH đề
nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng, quy định thời gian đào tạo nghề
luật sư là 12 tháng như đối với các chức danh tư pháp”.
Không cho phép viên chức hành nghề luật sư
Về ý kiến đề nghị cho phép viên chức
đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư với tư cách là
luật sư tư vấn, UBTVQH nhận thấy, nếu chỉ cấp Chứng chỉ hành nghề luật
sư cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật để làm dịch vụ tư vấn
pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư
tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng
phát triển nghề luật sư cũng như xu hướng chung của nhiều nước trên thế
giới.
Mặc dù Luật luật sư không cho phép
viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, nhưng theo
quy định hiện hành, họ vẫn được phép tham gia tư vấn pháp luật theo
nhiều hình thức khác nhau (tư vấn miễn phí, tư vấn có thù lao; tham gia
tư vấn cho tổ chức trợ giúp pháp lý hoặc tham gia tổ chức tư vấn pháp
luật...) và có sự quản lý của Nhà nước.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã tạo cơ
chế cho đội ngũ viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật có điều
kiện tích lũy kinh nghiệm thực tế cũng như phát huy năng lực, trí tuệ
của họ, do đó, không cần thiết phải bổ sung quy định về vấn đề này trong
Luật luật sư.
Từ những phân tích trên, UBTVQH đề
nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH theo hướng, không cho
phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.
Về việc tập sự, Điều 14 và Điều 27 dự
thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng, bổ sung các quy định cụ thể cho
phép người tập sự hành nghề luật sư được tham gia cùng với luật sư hướng
dẫn trong quá trình tố tụng nếu được sự đồng ý của khách hàng và sự
chấp nhận của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều tra viên sơ cấp sẽ “được
giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư”.
Theo đề nghị của UBTVQH, việc cấm tất
cả những người đã bị kết án hành nghề luật sư (về bất cứ tội danh nào)
là không phù hợp, nhất là đối với các trường hợp phạm tội do vô ý, phạm
tội ít nghiêm trọng mà không ảnh hưởng tới uy tín, đạo đức nghề nghiệp
của người hành nghề luật sư..., pháp luật của nhiều nước trên thế giới
cũng quy định như vậy. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy
định của dự thảo Luật.
Nhật Thanh
Theo Phapluatvn.vn
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN