Ngành Xây dựng phải "kiểm soát thị trường BĐS"

20/12/2011 15:27 PM

Tại Hội nghị doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, trong thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ngành Xây dựng đã có những đóng góp quan trọng, đặc biệt là công tác xây dựng thể chế, pháp luật; phát triển đô thị; phát triển nhà ở và thị trường BĐS.



Ngành Xây dựng ngày càng khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của đất nước

Ngành kinh tế “mũi nhọn”


Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, ngành Xây dựng ngày càng khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Cụ thể, ngành có tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu GDP ngày càng tăng. Năm 2010, tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 41% GDP, trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm khoảng 10,3% GDP. Hàng năm có hàng chục ngàn công trình xây dựng được triển khai xây dựng trên phạm vi toàn quốc, nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã được hoàn thành như: Lọc dầu Dung Quất, Thủy điện Sơn La, các công trình lớn trong lĩnh vực dân dụng, năng lượng, dầu khí, cầu đường, bến cảng, công nghiệp, văn hóa, thể thao, khu đô thị mới ... góp phần quan trọng tạo dựng cơ sở vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng của đất nước, các doanh nghiệp Ngành Xây dựng thuộc các thành phần kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê năm 2010, cả nước có khoảng 36.000 doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, với khoảng 1,38 triệu lao động, trong đó 30.000 doanh nghiệp tham gia xây dựng dân dụng thông thường và 6.000 doanh nghiệp xây dựng các công trình chuyên dụng.

Cơ cấu doanh nghiệp xây dựng phân theo loại hình sở hữu: Nhà n­ước (1,6%), ngoài Nhà nư­ớc (97,9%), FDI (0,5%). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp xây dựng năm 2010 khoảng 283.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nư­ớc khoảng 74.000 tỷ đồng (chiếm 26%), doanh nghiệp ngoài nhà nư­ớc là 200.000 tỷ đồng (chiếm 71%) và doanh nghiệp FDI là 7.000 tỷ đồng (chiếm 3%). Mức độ tăng trư­ởng tính trên doanh thu của các doanh nghiệp ngành xây dựng bình quân là 25,4% (trong đó doanh nghiệp nhà nước 8,2%, doanh nghiệp ngoài nhà nước 37% và doanh nghiệp FDI là 27,5%).

Các doanh nghiệp ngành xây dựng đã chú trọng phát triển toàn diện, kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh. Đến nay doanh nghiệp ngành đã có thể tự thiết kế và thi công những công trình có quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và công nghệ tiên tiến. Một số doanh nghiệp trong nước đã được chọn làm thầu chính các gói thầu được đưa ra đấu thầu quốc tế hoặc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ mới và kỹ thuật hiện đại.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng cũng nêu một số lĩnh vực Ngành Xây dựng còn bộc lộ những tồn tại, bất cập, cụ thể như: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở cả khu vực đô thị và nông thôn phát triển thiếu đồng bộ; giá cả nhà ở hàng hóa thiếu ổn định, đặc biệt trong thời gian gần đây đã có xu hướng giảm nhưng thị trường vẫn trầm lắng, kể cả các đô thị lớn; chất lượng một số công trình xây dựng, đặc biệt là công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trình nhà ở tái định cư chưa đạt chất lượng, nhiều hạng mục công trình phải sửa chữa do chất lượng kém, các công trình xây dựng chậm tiến độ còn phổ biến.

Kiểm soát thị trường BĐS

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Mục tiêu tăng trưởng của ngành Xây dựng phấn đấu đạt 12% - 15%; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5% 35% GDP; diện tích bình quân nhà ở đạt 22m2/người, phấn đầu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 30% với 870 đô thị; 90% dân số tại các đô thị loại III trở lên được cung cấp nước máy sinh hoạt, tỷ lệ thất thoát nước sinh hoạt giảm còn 25%....

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới Ngành Xây dựng cần tập trung thực hiện 6 giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển đô thị, phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh BĐS.

Thứ hai: Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại.

Thứ ba: Tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, có 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở mà thị trường nhà ở phi hàng hóa cần phải đáp ứng đó là: Nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho người nghèo ở khu vực nông thôn; nhà ở cho người nghèo ở khu vực đô thị; nhà ở cho lực lượng vũ trang; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức; nhà ở cho sinh viên; nhà ở cho công nhân lao động và nhà ở cho những đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn, để mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ 4: Tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường BĐS; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển đô thị; tổ chức rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai.

Thứ năm:
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS, kiểm định chất lượng công trình xây dựng...để kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh và dự án đầu tư hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Và cuối cùng:
Nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh, trình độ quản trị doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải coi việc phát triển nguồn nhân lực, từ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đến công nhân có tay nghề cao là nhân tố quyết định sức cạnh tranh của đơn vị cũng như sức cạnh tranh của quốc gia; thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, bảo đảm sản phẩm làm ra phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình, tránh thất thoát lãng phí trong xây dựng.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,075

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079