Nhu cầu lớn của người dân về nhà ở là một cơ hội cho DN BĐS trong năm 2012 và những năm tiếp theo |
Lãi suất cao và khó tiếp cận nguồn vốn là thách thức đầu tiên và quan trọng nhất mà DN BĐS phải vượt qua nếu muốn tồn tại và phát triển trong năm 2012 và những năm tiếp theo.
Thách thức bủa vây
Điều này đã được ông Trương An Dương - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu TP HCM, Cty Savills VN khẳng định “Trong năm 2012, sự thiếu hụt tài chính đối với cả các chủ đầu tư và người mua sẽ là thách thức lớn nhất của thị trường”.
Bên cạnh khó khăn về vốn thì “làm sao lấy lại niềm tin ở những người đã bị thua lỗ hay phải rời bỏ thị trường trong 2 năm qua”, là điều mà ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc CBRE VN nhấn mạnh khi nói về thị trường BĐS VN trong năm 2012. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lượng tiền trong dân còn nhiều và nhu cầu mua nhà ở cũng rất lớn. Tuy nhiên, do họ không còn lòng tin vào thị trường BĐS nên rất khó phát huy được nguồn lực này.
Năm 2012, thủ tục hành chính còn rất phiền hà vẫn là một trong những rào cản chính kìm hãm sự phát triển của thị trường. Theo phản ánh của DN kinh doanh bất động sản, khung pháp lý hiện nay tạo khá nhiều áp lực cho các DN phát triển BĐS, đặc biệt là chính sách bồi thường, quy định chuyển nhượng BĐS và các điều luật quy định điều chỉnh hoạt động mua bán đất, căn hộ và các hợp đồng góp vốn, thu tiền sử dụng đất,... Đặc biệt, nằm 2012, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chính thức có hiệu lực sẽ khiến cho chi phí sản xuất của DN bị đội lên rất nhiều.
Ở một góc nhìn khác, ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc Cty Tư vấn BĐS CBRE VN nhấn mạnh năm 2012 sẽ là một năm đầy thách thức đối với thị trường BĐS do tình hình kinh tế VN và thế giới có nhiều biến động: cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng Euro hay thâm hụt ngân sách tại Mỹ,... Trong nước, thị trường lại đang đối mặt với tình trạng lạm phát, tỉ giá và lãi suất cao. Do đó, chỉ khi nào lãi suất và lạm phát giảm thì thị trường mới có thể khởi sắc.
Cơ hội xuất hiện
Nhu cầu lớn của người dân về nhà ở là một cơ hội cho DN BĐS trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Theo báo cáo về chiến lược phát triển nhà ở đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Xây dựng thì đến năm 2020, số m2 nhà ở bình quân trên đầu người là 25 m2 thì VN cần khoảng 2,5 tỉ m2 sàn nhà ở (với số dân dự kiến là 100 triệu dân). Trong khi đó hiện tại có khoảng 1,5 tỷ m2 sàn, trong 10 năm tới VN cần xây dựng 1 tỷ m2 sàn nhà ở để cung ứng cho người dân. Điều này tạo nên một nguồn cầu tương đối lớn cho thị trường.
Thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ có dấu hiệu phục hồi vào khoảng quý 3/2012. |
Nguồn vốn đang tồn tại trong một bộ phận dân cư cũng được đánh giá là nguồn lực khá quan trọng kéo thị trường đi lên. Theo một số chuyên gia ngành ngân hàng, tiền nằm ngoài hệ thống ngân hàng tại VN hiện nay lên tới 60%, riêng tiền dự trữ trong vàng thấp nhất cũng hơn 20 tỉ USD và cao nhất lên tới 40 tỉ USD. Trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn, vàng và ngoại tệ bị kiểm soát chặt và giá cả tăng giảm bất thường, ẩn chứa nhiều rủi ro thì việc người dân dồn tiền vào BĐS là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh nguồn vốn trong dân thì dòng vốn ngoại cũng được xem là một trợ lực giúp thị trường khởi sắc. Năm 2011 bất chấp những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, BĐS VN vẫn là thị trường đầy tiềm năng của các nhà đầu tư quốc tế. Bằng chứng là tính đến thời điểm tháng 11/2011, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào lĩnh vực BĐS đạt 464,13 triệu USD, xếp thứ tư về lĩnh vực có vốn đầu tư nhiều vào VN.
Minh chứng cho điều này, ông Neil MacGregor, cho rằng VN vẫn được xếp hạng là một trong những nơi thu hút đầu tư hàng đầu trong khu vực. Đầu năm 2011, VN đã được Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS (AFIRE) xếp thứ 4 trong số các thị trường mới nổi về mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Và cuối cùng, cơ hội để thị trường phát triển lành mạnh và minh bạch – điều mà giới đầu tư mong đợi từ lâu đã dần trở thành hiện thực. Những DN vượt qua được giai đoạn này sẽ là những DN mạnh, có tiềm lực tài chính, có bản lĩnh góp phần vào việc xây dựng thị trường bất động sản bền vững và lành mạnh hơn”, ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Cty CP Đức Mạnh phân tích.
Ông Tuấn cho rằng nếu các chính sách của NHNN được điều tiết theo hướng nới lỏng linh hoạt và có chọn lọc cho thị trường BĐS, các kiến nghị của các bộ, ngành được Chính phủ thực thi, đồng thời, một số công cụ phi ngân hàng như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác BĐS được đưa vào hoạt động thì khả năng thị trường BĐS sẽ có dấu hiệu phục hồi vào khoảng quý 3/2012.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN